Trích dẫn hay

Những trích dẫn hay và ý nghĩa trong sách của Thích Nhất Hạnh

157

Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư nổi tiếng thế giới, từ những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống và con người làm thay đổi suy nghĩ và cuộc sống của người đọc, những tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận được rất nhiều sự đón nhận từ các bạn độc giả. Ở bài viết này hãy cùng VanHoc.Net điểm qua những trích dẫn hay và ý nghĩa nhất trong sách của Thích Nhất Hạnh nhé!

  1. Khi chúng ta thở, chúng ta biết rằng không khí là một món quà của mẹ, khi chúng ta ăn chúng ta biết rằng thức ăn của chúng ta cũng là một món quà của Đất Mẹ. (Tâm tình với Đất mẹ)
  2. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng. (Muốn an được an)
  3. Chúng ta mãi bôn ba, rong ruổi trong cuộc sống. Chúng ta không có khả năng hay cơ hội dừng lại để nhìn sâu vào cuộc đời của mình. Chúng ta phải nhìn lại, và nhìn sâu vào cuộc đời của mình. Chúng ta phải nhìn lại, và nhìn sâu để có thể hiểu. (Giận)
  4. Cho dù ta tin rằng hành động của ta xuất phát từ tình thương thì ta cũng gây cho con ta, vợ ta, chồng ta, bạn ta hay đồng nghiệp của ta khổ đau trầm trọng, bởi vì ra không đủ hiểu người đó. (Hạnh phúc cầm tay)
  5. Trở về với bạn, trở về với hơi thở, với nụ cười, với chính mình, trong một tư thế vững chãi và an nhiên. Đó là một hạnh phúc lớn. Bạn phải có khả năng thưởng thức những giây phút ấy: Bạn nên tự hỏi: “Giờ phút này ta không an lạc thì giờ phút nào ta mới được an lạc?” (Từng bước nở hoa sen)
  6. Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một cái gì đó cho công việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Phải sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai tươi sáng, đó là gia tài đích thực ta để lại cho con cháu chúng ta. (Hướng đi của đạo bụt cho hòa bình và sinh môi)
  7. Hạnh phúc là khi ta cảm thấy mình đang đi đúng hướng, sống đúng chánh pháp trong từng giây phút. Ta không cần đi cho tới đích mới có hạnh phúc. (Hỏi đáp từ trái tim)
  8. Con người không thể sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa nếu không có một niềm tin. Phải có một cái gì thật, lành và đẹp mà ta thấy được và hiểu được, thì ta mới có thể tin tưởng. Không có niềm tin ta sẽ sống bừa bãi, không trách nhiệm và do đó sẽ dẫn đến một lối sống tàn phá cơ thể, tâm hồn, gia đình ta và xã hội. (Để có một tương lai)
  9. Chúng ta biết rằng khi giận thì không nên phản ứng, nghĩa là không nên nói, không nên làm bất cứ điều gì. Khi giận mà nói năng hay hành động là không khoan ngoan. Ta phải trở về tự thân để chăm sóc cơn giận của mình. (Giận)
  10. Cuộc đời như một ảo ảnh, một giấc mộng hay một thực tại nhiệm mầu, điều đó hoàn toàn tùy thuộc nơi bạn tùy thuộc nơi sự tỉnh thức của bạn. Tỉnh thức là một phép lạ nhiệm mầu. Cũng như một căn nhà tối ám đột nhiên sáng rỡ lên vì có ánh sáng của một ngọn đèn, đời sống sẽ trở thành mầu nhiệm khi mặt trời ý thức bắt đầu chiếu rạng. (Trái tim mặt trời)
  11. Mỗi khi tiếp xúc với những thứ trần tục, với những cái hèn mọn, nhỏ nhoi thì đừng quên rằng trăng sao vẫn còn đó. Chỉ cần ngẩng đầu lên là thấy năng lượng, niềm tin của mình không hề mất đi. (Bàn tay cũng là hoa)
  12. Trái Đất đã mất cân bằng. Việc chúng ta mất kết nối với nhịp điệu tự nhiên của Trái Đất là nguyên nhân của nhiều căn bệnh hiện đại. (Tâm tình với Đất mẹ)
  13. Chúng ta không nên nói lý thuyết rằng khổ không có thật, khổ chỉ là giả tướng mà thôi. Nói như vậy chỉ là tự an ủi và trốn tránh. Vui cũng giả, khổ cũng giả, nói vậy rồi thôi, ta không chịu làm gì hết! Sự thật là chúng ta phải làm một cái gì, phải thực tập để chuyển hóa cái khổ cho thành không khổ. Trong khi thực tập ta mới tiếp xúc, quán chiếu và dần dần thấy được tự tánh của khổ cũng như tự tánh của không khổ. Nhờ đó ta sẽ đạt tới sự thật chân đế, vượt trên khổ và vui. (Trái tim của bụt)
  14. Tuy cuộc đời có khổ đau nhưng nhờ tu tập ta tìm được những giây phút rất hạnh phúc. Cho dù đang trong hoàn cảnh khốn khó tới mấy thì vẫn luôn còn đó những điều kiện hạnh phúc, tuy ít ỏi nhưng có đó. Ngược lại, nếu cho rằng đời toàn niềm vui cũng không đúng. Đời có khổ có vui, cái khổ đang đóng một vai trò nào đó để làm ra cái vui. Nếu không đói thì ta sẽ ăn không ngon. Nhờ có cái đói ta mới cảm thấy hạnh phúc khi được ăn. (Con đã có đường đi)
  15. Thay vì chờ đợi được người khác chấp nhận, con có thể học cách yêu thương bản thân trước. Làm được như vật, con sẽ dễ dàng hiến tặng tình thương của mình cho người khác hơn là bận tâm xem người khác thấy thế nào về mình. Ngược lại, người khác cũng cảm nhận được và dễ dàng bày tỏ tình thương và lòng biết ơn tới con hơn”. (Trong cái không có gì không?)
  16. Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại, giây phút tuyệt đẹp nhất. (Muốn an được an)
  17. Ít ai muốn có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy thế, cũng có rất ít người biết làm thế nào để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc là một cái gì cần được vun trồng, tưới tẩm và nuôi dưỡng. Nếu không thì, như Bụt nói, cái gì cũng vô thường hết, cái gì cũng phải chịu quy luật của sự tàn hoại. (Tìm bình yên trong gia đình)
  18. Có những lúc bạn sống như trong một giấc mơ, bạn bị lôi kéo về quá khứ, về tương lai, bạn bị ràng buộc bởi những đau khổ, hờn giận, thắc mắc, sợ hãi. Trong hiện tại, giải thoát tức là vượt ra khỏi những trạng thái ấy để sống tỉnh táo, vui tươi, an nhiên và tịnh lạc. Sống như vậy mới là đang sống. Sống như vậy, bạn sẽ là nguồn vui cho những người thân thuộc và cho những kẻ sống bên cạnh bạn cũng như xung quanh bạn. (Tiếp xúc với sự sống)
  19. Hơi thở phải thật nhẹ nhàng, đều đặn, trôi chảy tiếp nối như một lạch nước trôi trên cát mịn. Hơi thở phải thật im lặng, im lặng đến nối người ngồi gần cũng không nghe thấy mình thở. Hơi thở nên uyển chuyển như một dòng sông, một con rắn nước đang bò, chứ không thể như một dãy núi lởm chởm hay như nhịp phi của một con ngựa. Chủ động được hơi thở của mình tức là chủ động được thân tâm mình. (Phép lạ của sự thức tỉnh)
  20. Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí, ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau. (Giận)

Cảm ơn bạn đọc đã luôn theo dõi và ủng hộ Văn Học Blog!

0 ( 0 bình chọn )

VanHoc.Net – Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam và Thế Giới

https://vanhoc.net
VanHoc.Net - Chuyên trang Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam và Thế giới,...với nhiều thông tin bổ ích, hay & hấp dẫn!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm