Bạn là một người không giỏi làm chủ cảm xúc của mình, bạn thường xuyên trì hoãn những kế hoạch mà mình đã đặt ra. Bạn không biết làm cách nào để làm chủ cảm xúc, kỷ luật bản thân thật tốt vậy thì cuốn sách “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ” sẽ giúp bạn nghiêm túc và kỷ luật hơn với cuộc sống của chính mình.
Cảm nhận sách Ngay bây giờ hoặc không bao giờ
Dưới sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, cuộc sống của chúng ta trở nên tốt lên mỗi ngày. Chính vì thế các bạn trẻ ngày nay được tiếp xúc với công nghệ rất sớm đó là lý do khiến cho nhiều người trẻ dễ bị xao nhãng bởi thiết bị điện tử. Chúng ta dễ dàng bị chiếc điện thoại mê hoặc và quên đi deadline mình cần phải hoàn thành. Bạn rất dễ xúc động, lo âu khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều và khó làm chủ cảm xúc của chính mình. Cuốn sách Ngay bây giờ hoặc không bao giờ sẽ giúp bạn thay đổi thói quen, làm chủ chính mình và làm việc một cách có kế hoạch hơn.
Bạn đã bao giờ suy nghĩ về việc mình cần phải học ngoại ngữ, đi tập thể dục hay tham gia bất cứ một khóa học nào chưa? Chắc hẳn là rất nhiều lần nhưng… bạn lại lười, bạn suy nghĩ đủ mọi lý do để thuyết phục mình không làm. Bạn thích thú với trò chơi điện tử, bộ phim và Tiktok hơn bất cứ thứ gì, việc ở nhà nằm chơi sẽ vui vẻ hơn với việc đi làm ngoài kia. Thực tế niềm vui của hiện tại sẽ không diễn ra trong thời gian dài, sau này khi phát hiện ra mọi người xung quanh đều có công việc ổn định, đều đi làm kiếm được thật nhiều tiền bạn mới nhận ra sự lãng phí thời gian của mình đã mang đến tác hại như thế nào.
“Ngừng trì hoãn không phải là một việc bất khả. Bạn chỉ cần rèn luyện thuần thục những thói quen được rất nhiều người thành đạt sử dụng và biến chúng trở thành một phần công việc hằng ngày của mình. Một số người cũng thường có những nỗi sợ hãi và những hạn chế giống như bạn, nhưng nhờ vào việc tự rèn luyện, họ đã có thể hành động một cách kiên định và hiệu quả.”
Khi có bất cứ ý tưởng, công việc nào cần phải làm bạn nên thực hiện ngay lập tức, đừng suy nghĩ rằng tôi nằm nghịch điện thoại thêm 15 phút nữa mới bắt đầu đứng dậy thực hiện, hay để ngày mai. Khi bạn bị chìm đắm vào những thứ ấy, bạn nuông chiều bản thân quá mức bạn sẽ trở nên lười biếng và không muốn làm việc. Hãy nhớ rằng, thời gian không chờ đợi bạn, bố mẹ cũng chẳng thể trẻ mãi để đợi bạn báo hiếu, bạn chỉ có thể chăm chỉ làm việc, nỗ lực bằng tất cả những gì mình có. Lười biếng chỉ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhàm chán, tiêu cực, ngày qua ngày bạn sẽ trở nên thụ động.
Không khó để chúng ta nghĩ ra một lý do để mình trì hoãn, ví như hôm nay tôi có không có tâm trạng, tôi cần làm những việc khác trước, tôi không có thời gian, tôi đang có nhiều công việc khác phải làm,… Phần lớn chúng ta viện lý do chỉ để nuông chiều bản thân hoặc sợ phải làm công việc đó vậy nên ngày qua ngày bạn trì hoãn. Bạn né tránh nỗi sợ hãi của mình và bắt đầu cho bản thân cơ hội được lười biếng.
Chúng ta cần hiểu vấn đề bản thân đang gặp phải? Vì sao bạn lười biếng? Vì sao bạn luôn trì hoãn với mọi kế hoạch của mình để giải quyết từng vấn đề một. Ví dụ bạn lười biếng vì bạn thường xuyên dành thời gian để lướt web trên điện thoại vậy thì hãy học cách “cai nghiện” điện thoại. Chỉ khi bạn giải quyết được tận gốc vấn đề của mình bạn mới học được cách “không” trì hoãn.
23 cách để chống lại thói quen trì hoãn
- Sử dụng quy tắc 80/20 để xác định những nhiệm vụ quan trọng.
- Liên hệ mọi hành động đến mục tiêu S.M.A.R.T
- Nắm bắt ý tưởng mỗi khi chúng xuất hiện.
- Tạo ra hệ thống 43 thư mục tại nhà bạn để xử lý công việc giấy tờ.
- Tạo ra danh sách cho mọi dự án cần nhiều bước thực hiện.
- Tạo ra danh sách những bước cần làm cho những công việc thực hiện hằng ngày.
- Ghép những nhiệm vụ tương tự vào với nhau.
- Thực hiện từng quy trình và từng dự án một.
- Mỗi tuần hãy dành ra vài giờ làm đánh giá.
- Hãy thực hiện đánh giá tháng để kiểm tra cặn kẽ các hoạt động của bạn.
- Nói “không” với các hoạt động có mức độ ưu tiên thấp.
- Theo dõi tiến độ và thành công của bạn.
- Bắt đầu ngày mới với những công việc quan trọng nhất.
- Chọn ưu tiên bằng phương pháp ABCDE.
- Tạo ra một cảm giác về sự cấp thiết bằng kỹ thuật khối thời gian.
- Chịu trách nhiệm một cách công khai đối với các mục tiêu của bạn.
- Bắt đầu một thói quen mới từ những việc vô cùng nhỏ.
- Tự thưởng bản thân khi đạt đến một cột mốc nào đó.
- Phát triển một kỹ năng dùng cho dự án.
- Tạo động lực phụ bằng cách nghe các chương trình truyền cảm hứng.
- Thực hiện kỹ thuật tưởng tượng khi bạn cảm thấy chán nản.
- Hãy kiên nhẫn với quà trình cải thiện cuộc sống của bạn.
- Tham gia thử thách 30 ngày để thay đổi từng thói quen một.
Chúng ta phải nhớ rõ rằng, nếu bạn để sự trì hoãn kiểm soát cuộc đời mình bạn sẽ chẳng thể thành công được. Việc trở thành một người làm việc có kế hoạch, luôn đặt mục tiêu trong cuộc sống là rất cần thiết với mỗi người, tất cả những gì chúng ta làm đó luôn cố gắng vì thành công của bản thân.
Trích đoạn hay trong sách
Việc ôm đồm là rất nguy hiểm. Bạn có thể nghĩ rằng mình đủ khả năng hoàn thành tốt hai nhiệm vụ cùng một lúc, nhưng thực chất, bạn chỉ đang phân tán nỗ lực của mình cho mỗi nhiệm vụ. Nếu thường xuyên ôm đồm, nhiều khả năng những công việc bạn làm sẽ có chất lượng rất thấp. Giải pháp đơn giản nhất cho thói quen gây rắc rối này chính là phát triển thói quen “khối thời gian” cho công việc của bạn.
Ý tưởng đằng sau nó là chia một ngày của bạn thành từng phần nhỏ, trong đó bạn có thể tập trung tối đa vào từng nhiệm vụ một mà không bị những việc khác chen ngang hoặc làm gián đoạn. Điều đó có nghĩa là bạn không được kiểm tra e-mail, Facebook, nhắn tin với bạn bè hoặc thay đổi từ công việc này sang công việc khác. Trong một khối thời gian nhất định bạn sẽ chỉ được làm duy nhất một nhiệm vụ nào đó thôi.
Lời kết
Người thành công và kẻ thất bại chỉ khác nhau duy nhất một điểm đó là “sự cố gắng”. Nếu bạn đủ kiên định với mục tiêu của mình, mỗi ngày đều nỗ lực bạn sẽ đạt được thứ mình mong muốn, cuộc đời mình muốn sống. Hãy nhớ rằng trì hoãn chính là kẻ thù số một của thành công và bạn cần phải vượt qua được nó.
Review bởi Dương Hạnh