- 1. Mở bài phân tích Mị trong đêm tình mùa xuân
- 2. Thân bài phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
- Giới thiệu tác giả
- Giới thiệu tác phẩm Vợ chồng A Phủ
- Mị trước đêm tình mùa xuân
- Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
- Bình luận Mị trong đêm tình mùa xuân
- Mị trong đêm tình mùa xuân qua nghệ thuật
- 3. Kết bài phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
Mị trong đêm tình mùa xuân là chủ đề thường xuất hiện trong các đề văn THPT. Trong bài viết này, VanHoc.net sẽ cùng bạn phân tích diễn biến Mị trong đêm tình mùa xuân để tổng hợp thêm nhiều kiến thức, giọng văn và cách tiếp cận phù hợp nhất cho bài văn thêm hay. Cùng tham khảo ngay nhé!
1. Mở bài phân tích Mị trong đêm tình mùa xuân
Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng cho rằng “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.” Thật vậy, một nhà văn chân chính phải là người biết tìm hiểu, đào sâu và khám phá những tầng lớp và chiều sâu đáng kinh ngạc của cuộc sống và con người.
Chính vì thực hiện được thiên chức này mà tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đã trở thành một áng văn đầy xúc động và sâu sắc. Đặc biệt, truyện ngắn này đã khắc họa rõ nét “hạt ngọc” ẩn giấu – đó là sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người, được thể hiện rõ ràng qua nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
2. Thân bài phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
Giới thiệu tác giả
Là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học Việt Nam, Tô Hoài đã thể hiện vốn hiểu biết sâu rộng và trải nghiệm phong phú về nhiều khía cạnh của đời sống, đặc biệt là phong tục và sinh hoạt thường ngày.
Nhờ đó, tài năng nghệ thuật của Tô Hoài nổi bật với lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, sinh động, cùng nghệ thuật miêu tả giàu tính tạo hình, ngôn ngữ phong phú và mang đậm chất khẩu ngữ.
Giới thiệu tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Vợ chồng A Phủ thuộc tập truyện “Tây Bắc”, được viết từ trải nghiệm của Tô Hoài khi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc năm 1952. Trong tám tháng đó, ông sống cùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ các khu căn cứ trên núi cao đến các bản làng mới giải phóng, thấu hiểu sâu sắc cuộc sống và con người miền núi.
Nơi đây để lại trong Tô Hoài nhiều tình cảm và ấn tượng sâu sắc, khiến ông chia sẻ rằng “Tây Bắc để thương để nhớ trong tôi nhiều quá”. Tác phẩm phản ánh cuộc sống tủi cực của đồng bào miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị phong kiến thực dân và quá trình đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do nhờ cách mạng.
Viết về số phận nhân vật Mị, Tô Hoài thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Ông khai thác sức sống tiềm tàng ở những con người nhỏ bé đáng thương, đặc biệt qua nhân vật Mị trong hai giai đoạn: đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ.
Mị trước đêm tình mùa xuân
Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo và thổi ken lá, được nhiều người say mê đến mức ngày đêm thổi sáo theo Mị. Cô đã từng yêu và được yêu, từng hồi hộp và khao khát trước những âm thanh hò hẹn của tình yêu. Là người hiếu thảo, chăm chỉ và ý thức được giá trị của cuộc sống tự do, Mị sẵn sàng làm nương ngô để trả nợ thay cho bố.
Tuy nhiên, mọi khao khát của cô đều bị dập tắt khi Mị bị bắt làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, bị ép cúng trình ma nhà thống lí và cam phận làm nô lệ dưới ách thống trị của thần quyền và cường quyền. Những ngày đầu làm dâu, Mị tủi nhục và uất ức, “hàng mấy tháng đêm nào cũng khóc”.
Mị muốn chết nhưng thương cha nên đành chấp nhận kiếp làm thân trâu ngựa. Sau khi cha mất, Mị không còn muốn chết nữa vì tâm hồn đã chai sạn: “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”, sống lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, cuộc đời bị giam cầm trong căn phòng tối đen. Thống lí Pá Tra đã dùng cường quyền và thần quyền áp chế khiến Mị cam chịu kiếp sống nô lệ, tự coi mình như con trâu, con ngựa.
Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
Khung cảnh thiên nhiên nồng nàn với cỏ danh vàng ứng, chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá như những con bướm sặc sỡ, không khí dần ấm áp. Âm thanh bên ngoài vang lên tiếng sáo, tiếng trẻ chơi quay cười vang, làm Mị bắt đầu cảm thấy thiết tha bồi hồi, lẩm bẩm theo lời hát gọi bạn tình.
Trong ngày Tết, Mị lén uống rượu, “uống ực từng bát”, say sưa và sống lại trong quá khứ, mê mải trong tiếng sáo gọi bạn yêu. Khi sực nhớ đến tình cảnh hiện tại và A Sử, Mị muốn chết, “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại”.
Nhận thức được sự tồn tại của bản thân, Mị cảm thấy phơi phới trở lại, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, khao khát tự do bùng lên. Tinh thần phản kháng mạnh mẽ trỗi dậy, Mị lấy miếng mỡ để thắp sáng căn phòng tối, vấn lại tóc, lấy cái váy hoa, nổi loạn muốn “đi chơi Tết” để chấm dứt sự tù đày. Hiện thực không trói được trái tim Mị, dù bị A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi.
Khi cố vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa và chợt tỉnh trở về với hiện thực. Cả đêm hôm ấy, Mị lúc mê lúc tỉnh, lúc đau đớn, lúc nồng nàn tha thiết.
Bình luận Mị trong đêm tình mùa xuân
Tâm hồn chai sạn của Mị đã sống lại, mang trong mình sức sống mãnh liệt luôn âm ỉ, chỉ chờ cơ hội để bùng lên mạnh mẽ. Sự nổi loạn của Mị dù không thể giải thoát cô khỏi số phận hiện tại, nhưng đã nhóm lên ngọn lửa sức sống, ngăn nó lụi tắt hẳn. Điều này chuẩn bị cho một sự phản kháng trong tương lai, thể hiện qua hành động cắt dây trói cho A Phủ.
Mị trong đêm tình mùa xuân qua nghệ thuật
Để khắc họa sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm tình mùa xuân, không thể không nhắc đến sự thành công trong bút pháp nghệ thuật của Tô Hoài.
Nhà văn sử dụng ngôn ngữ và nghệ thuật kể chuyện đậm chất Tây Bắc, cùng với nghệ thuật trần thuật đặc sắc, thu hút người đọc qua điểm nhìn trần thuật linh hoạt: khi thì quan sát khách quan từ bên ngoài, khi thì diễn tả sâu sắc tâm lý, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật từ bên trong.
Tô Hoài còn thể hiện tài năng miêu tả và phân tích diễn biến tâm lí nhân vật, giúp họ phát triển một cách tự nhiên, hợp lý. Thêm vào đó, nghệ thuật tả cảnh về bức tranh thiên nhiên mùa xuân Tây Bắc được thể hiện đầy lãng mạn và chất thơ.
3. Kết bài phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
Tô Hoài đã khắc họa thành công sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị trong đêm tình mùa xuân, thực sự phát hiện và thể hiện sâu sắc những “hạt ngọc” ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người. Vì vậy, “Vợ chồng A Phủ” đã trở thành một áng văn chân chính và có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.