Nhắc đến Văn học Việt Nam không ai là không biết đến Chí Phèo – một kiệt tác nghệ thuật của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo kể về cuộc đời bi kịch của người nông dân lương thiện bị xã hội phong kiến tàn ác đẩy vào con đường lưu manh hóa.
Chí Phèo là điển hình của tuyến nhân vật có cuộc đời đầy bi kịch và luẩn quẩn, điều đó được thể hiện qua cách hắn đối diện với cuộc đời của mình. Ban đầu Chí vốn là một người lương thiện thế nhưng vì hoàn cảnh đẩy đưa hắn trở thành một kẻ lưu manh, đầu đường xó chợ. Khi nhận được tình thương từ Thị Nở hắn như được tái sinh, khao khát muốn trở thành người lương thiện lại một lần nữa bừng cháy trong Chí, thế nhưng hoàn cảnh nào cho phép. Cuộc đời của Chí Phèo chỉ toàn là bi kịch, đi hết từ bi kịch này đến bi kịch khác và cuối cùng hắn ta đi vào một ngõ cụt không có lối thoát.
Đôi nét về nhà văn Nam Cao
Nhà văn Nam Cao có tên khai sinh là Trần Hữu Tri (1915 – 1951) ông là nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Nam Cao nổi tiếng là nhà văn hiện thực lớn (trước cách mạng tháng Tám) và là một nhà báo kháng chiến (sau Cách Mạng). Có thể nói Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu của thế kỷ 20 với nhiều tác phẩm để đời.
Một số tác phẩm của Nam Cao: Sống mòn, Đời thừa, Lão Hạc, Đầu đường xó chợ, Cái chết của con Mực, Bài học quét nhà, Một đám cưới,…
Chí Phèo – hành trình từ người nông dân lương thiện trở nên tha hóa
Chí là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngay khi hắn vừa lọt lòng ở lò gạch cũ, được một người trong làng Vũ Đại nhặt về nuôi, năm hai mươi tuổi Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Trong một lần ghen tuông Bá Kiến đã đẩy Chí vào con đường lao lý. Đi tù 7,8 năm hắn trở về và lột xác trở thành một con người khác hoàn toàn.
“Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”
Chí trở thành nỗi ám ảnh của làng Vũ Đại, hắn suốt ngày chỉ biết chìm trong hơi men, làm những việc như đâm thuê chén mướn. Chí không biết mình sa vào con đường tội lỗi từ lúc nào…
“Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện.”
Và rồi cuộc gặp gỡ tình cờ của Chí Phèo và Thị Nở trong một đêm say của hắn khiến mọi thứ đổi thay. Thị Nở một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn.
Thị Nở không có chồng, không còn ai thân thích, trừ một người cô đã có thể được gọi là già, và không chồng như thị. Chắc có lẽ vì thế mà Thị Nở không sợ Chí Phèo một cái thằng khiến cả làng Vũ Đại phải sợ. Qua đêm ăn nằm với Thị Nở, khi tỉnh dậy Chí muốn trở lại làm người lương thiện, Chí nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn! Lần đầu tiên trong đời Chí bắt đầu suy ngẫm về cuộc đời của hắn, hắn nhận ra mình đã không còn trẻ vậy mà lúc nào cũng một thân một mình cô độc. Hắn như thay đổi hoàn toàn sau khi gặp Thị Nở, một tên lúc nào cũng say xỉn, rạch mặt ăn vạ như Chí lại cảm thấy xúc động khi được Thị Nở nấu bát cháo hành cho ăn.
“Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”
Xưa nay chẳng có ai tự nhiên cho hắn cái gì, nếu muốn có hắn phải dọa nạt hay cướp giật vậy mà giờ đây hắn được săn sóc bởi tay của một người đàn bà. Chưa bao giờ khao khát làm người lương thiện lại sống lại trong Chí một cách mãnh liệt như vậy. Chính tình yêu thương của Thị Nở đã thức tỉnh bản tính lương thiện vốn có trong Chí.
Hạnh phúc ấy đến chưa được bao lâu thì bị ngăn cản bởi bà cô của Thị Nở, bà vừa tủi thân vừa sợ hãi vì chính bà cũng chẳng có chồng. Chính vì thế bà cứ đổ hết lên đầu Thị Nở
“Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo.”
Lại một lần nữa Chí Phèo rơi vào bi kịch, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Hắn tức lắm, cái kết đầy ám ảnh Chí cầm dao đi đến nhà Bá Kiến để trả thù đời rồi tự kết liễu cuộc đời mình. Có lẽ Chí chẳng còn con đường nào để hoàn lương, hắn nghĩ chết là cách tốt nhất để chạy trốn.
“Hắn rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.”
Chí Phèo – tác phẩm đã thành công tái hại lại cảnh làng quê Việt Nam ta ở những năm 1945, thời ấy vẫn còn nhiều bất công, định kiến khiến người dân rơi vào cảnh đau khổ. Chí Phèo là điển hình của người nông dân lương thiện bị đẩy vào đường cùng và trở thành một tên lưu manh. Nam Cao lên án gay gắt xã hội phong kiến đã đẩy những người nông dân nghèo vào hoàn cảnh tội nghiệp và ông cũng khẳng định rằng bản tính lương thiện luôn nằm trong trái tim của người nông dân. Dù trải qua muôn vàn đau khổ, hoàn cảnh khác nhau thì sự lương thiện ấy vẫn không bị bào mòn.
Sự xuất sắc của Chí Phèo được thể hiện qua cách xây dựng hình tượng nhân vật, Chí là một tên chuyên rạch mặt ăn vạ còn Thị lại là cô gái xấu ma chê quỷ hờn thế nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy hai nhân vật là những người lương thiện.