Cuốn sách “Chia sẻ từ trái tim” là tập hợp các bài giảng pháp thoại của Sa Môn Thích Hòa Pháp. Bằng cách giảng gần gũi, dễ hiểu thầy Thích Hòa Pháp nhận được sự quan tâm, theo dõi từ rất nhiều người, ở các độ tuổi khác nhau. Đặc biệt là người trẻ, tư tưởng Phật Giáo qua lời giảng dạy của thầy rất gần gũi và không hề bị giáo điều, đây chính là điều khiến cho nhiều bạn trẻ theo dõi thầy.
Cảm nhận về sách
Sự phát triển không ngừng nghỉ của truyền thông, trong đó có mạng xã hội đã giúp cho rất nhiều người trẻ quan tâm đến Phật Giáo hơn. Thông qua các bài giảng của nhiều thầy có học vấn uyên thâm, cách giảng lại vô cùng giản dị, gần gũi, dễ hiểu khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu sâu và kĩ hơn về Phật Giáo.
Thầy Thích Hòa Pháp là một trong nhiều tu sĩ Phật Giáo nhận được sự quan tâm, yêu mến từ các Phật tử cả trong và ngoài nước. Thầy được sinh ra tại Cần Thơ, tuy nhiên thầy lại sinh sống và định cư tại Canada ngay từ khi con nhỏ. Trong suốt 40 năm tu học và hành đạo nơi xứ người thầy Thích Hòa Pháp đã gây dựng nên hai tu viện Trúc Lâm và Tây Thiên Khang tại Canada, đây trở thành địa điểm được các Phật tử trên thế giới đến để học và tìm hiểu về Phật Giáo.
Thầy Thích Hòa Pháp đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Những câu chuyện đời thường thầy chia sẻ có chút dí dỏm để người nghe không cảm thấy nhàm chán nhưng bên cạnh đó thầy còn gửi gắm vào đó rất nhiều bài học triết lý. Phong thái của thầy nhẹ nhàng, cách giảng của thầy vô cùng dễ hiểu vậy nên tạo nên sự gần gũi với người nghe và từ đó thầy nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ Phật Tử.
Cuộc đời con người ai cũng cần phải tu, chúng ta phải thật sự tu tâm mới có thể làm nên chuyện. Nóng giận là bản năng và tĩnh lặng chính là bản lĩnh, để rèn luyện được điều này con người ta phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và trải nghiệm giúp bản thân có thể tĩnh tâm trong một thế giới đầy huyên náo.
“Tu không phải là cạo đầu, ăn chay, mặc áo tràng hay tụng kinh niệm Phật. Tu là nhìn lại mình đã sai ở đâu để sửa chính bản thân mình. Khi mình sửa được bản thân mình thì đó cũng là lúc mình giả được nhiều phiền não khiến mình đau khổ.”
Những suy nghĩ về việc tu tập là phải rất khổ sở, chỉ có những bậc chân nhân mới có đủ kiến thức và kiên trì để theo đuổi nó là suy nghĩ của rất nhiều người. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng đều có thể tu tập, chánh niệm ngay tại nhà bằng cách suy nghĩ tích cực, sống chậm lại, học cách tu tâm dưỡng tính.
Nếu ngay trong tâm trí của chúng ta vẫn còn bộn bề những thứ về được mất, chúng ta sống ở hiện tại nhưng tâm trí ở quá khứ và tương lai, chúng ta so sánh cuộc sống của mình với người khác, chúng ta không hiểu rõ được bản chất của cuộc sống này là gì… và cứ thế chúng ta tự khiến mình đau khổ.
Khi ta bình tâm, có thể bỏ qua “tham, sân, si” tập trung vào chính bản thân mình, chấp nhận biến cố xảy ra trong cuộc đời này như một bài học, buông bỏ chấp niệm về biến cố thì lúc ấy tâm trí ta mới có thể thảnh thơi để đón những điều tốt đẹp đến.
Để có được thói quen tu tập trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng, nó cần sự kiên trì. Đặc biệt là trong cuộc sống ngày nay, khi con người luôn ưu tiên sự tiện lợi, nhanh chóng và có lối sống vội vàng thì có không ít người sống vội, không thể bình yên trong tâm trí. Vậy thì trạng thái cân bằng và tu tập này phải cần một khoảng thời gian để làm quen và cân bằng nó.
Chia sẻ của Thầy Thích Hòa Pháp trong cuốn sách về hiện tượng khá phổ biến trong đời sống ngày nay đó là “trông chờ vào lời thầy bói”, có không ít người đặt niềm tin vào xem bói, đầu năm họ thường đi xem bói và bắt đầu trông chờ vào lời thầy bói nói về mình. Thế nhưng tương lai chúng ta làm sao biết trước được, chi bằng hiện tại sống tốt cuộc đời của mình. Bói toán khiến người ta đau khổ vì tin rằng vận hạn sẽ đến… chúng ta bám víu vào một thứ không thể xác thực được là đúng hay sai và rồi chúng ta tự làm chính mình đau khổ.
Có người từng nói cuộc sống này vẫn đang vận hành theo luật nhân quả, thực tế đã chứng minh luật nhân quả có thật trong cuộc sống. Trong cuốn sách nổi tiếng “Muôn kiếp nhân sinh” đã nói về luật nhân quả như thế này: “Luật nhân quả đừng đợi thấy mới tin”. Nó giống như một triết lý để con người ta dựa vào đấy và sống tốt hơn, chúng ta luôn tin rằng chỉ cần bản thân sống tốt trời xanh sẽ an bài. Không làm việc xấu, không hại người và tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến.
“Nhân quả không phải do Phật tạo. Dù mình tin nhân quả hay không thì nhân quả vẫn xoay vần trong cuộc sống của mình. Nhưng nếu hiểu được nhân quả và cố gắng tạo nhân tốt, chúng ta sẽ được hưởng quả tốt, vậy thôi. Anh không đi học là nhân, anh dốt là quả. Anh không học là nhân, anh không có công ăn việc làm là quả. Anh bỏ bê nhà cửa là nhân, gia đình anh mất hạnh phúc, đổ vỡ là quả.”
Trích đoạn hay trong sách Chia sẻ từ trái tim
Khổ là gì? Là những gì bức bách, làm cho chúng ta không thoải mái, không như ý, không bình an. Ví dụ, mình đau răng nên không ăn được, bụng thì đói, mắt nhìn thấy đồ ăn thì thèm mà không ăn được, mình gọi đó là khổ. Nhức cái chân quá, muốn đi lên cầu thang nhưng bước không nổi, mình gọi đó là khổ. Nhức đầu quá ngủ không được, cũng khổ. Cho nên tất cả những gì làm mình không vừa lòng, không như ý mình, làm cho tâm thức của mình không thoải mái đều quy về một chữ khổ. Con người rất sợ khổ nhưng không thể thoát được. Vậy thì chúng ta dám chỉ ra cái khổ để làm gì? Để nhận diện sự thật rồi từ đó chuyển cái khổ.
Nói về khổ, trong Phật pháp có nhiều cách nói lắm. Trước hết là tam khổ: Thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ.
Thế nào là khổ khổ? Đời sống con người mình, có thân là đã khổ rồi, lại thêm bệnh hoạn, đau ốm…, hoặc có một đứa con bị bệnh là đã khổ rồi, cộng thêm chuyện này, chuyện nọ xảy đến, khổ chồng thêm khổ. Cái đó gọi là khổ khổ.
Cái thứ hai là hoại khổ. Hoại là hoại diệt. Nó có mặt rồi nó hoại, mình không chấp nhận nên mình khổ, gọi là hoại khổ.
Cái khổ thứ ba là hành khổ, tức là những cái đó liên tục làm cho mình không thoải mái.
Lời kết
Chúc cho tất cả chúng ta luôn bình an trong tâm hồn, tâm bình an tức là cuộc sống của chúng ta đang tốt đẹp!