Nguyễn Tuân được mệnh danh là một trong những nhà văn của nền Văn học Việt Nam hiện đại, với phong cách viết độc đáo ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Được mệnh danh là “ông vua tùy bút” với các tác phẩm đầy chất thơ và vô cùng có giá trị. Qua ngòi bút đầy sắc sảo của Nguyễn Tuân, bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn, giá trị và hơn hết đó còn là một bức tranh phản ánh chân thật cuộc sống.
Chữ người tử tù – kiệt tác nghệ thuật
Sáng tác trước Cách mạng tháng Tám, “Chữ người tử tù” ban đầu được biết đến với tên gọi “Dòng chữ cuối cùng”. Tác phẩm này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân khi được công bố trên tạp chí Tao Đàn năm 1939. Sau đó, được tuyển chọn vào tập truyện “Vang bóng một thời” và chính thức mang tên “Chữ người tử tù”, trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn.
Trong ngục tù đầy ngột ngạt, nơi mà giá trị đạo đức có thể bị méo mó bởi môi trường, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân lại đưa ta đến với hình ảnh Huấn Cao – một tử tù đặc biệt. Đằng sau những thanh gông xiềng và cái án tử, ông hiện lên như một đóa hoa sen giữa bùn lầy, giữ trọn vẹn phẩm giá và tâm hồn cao thượng. Khác hẳn với những kẻ bon chen, a dua, Huấn Cao chọn cách sống đúng với lương tâm, khiến ngay cả những kẻ canh giữ cũng phải nể phục.
Tình huống gặp gỡ đầy éo le của Huấn Cao và quản ngục
Cái danh “người đứng đầu bọn phản nghịch” như một chiếc áo choàng đen phủ lên Huấn Cao. Trong khi đó, viên quan coi ngục, với quyền sinh quyền sát trong tay, lại cảm thấy một sự tò mò đến khó tả trước bóng hình người tử tù tài hoa. Khi công văn đến, cái tên Huấn Cao như một ngọn lửa nhỏ bùng lên trong tâm trí ông ta, báo hiệu một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ.
“Này, thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?’
Có thể nói Nguyễn Tuân thật tài tình khi thật khéo léo sắp xếp hoàn cảnh gặp gỡ của nhân vật. Bởi quản ngục là một người rất ngưỡng mộ tài năng của Huấn Cao, ấy vậy mà phải gặp gỡ ông trong hoàn cảnh vô cùng éo le.
“Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài hẳn không phải là một kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng con lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu.”
Huấn Cao – vẻ đẹp của người nghệ sĩ
Không chỉ có tài viết chữ nhanh, chữ đẹp mà Huấn Cao còn rất giỏi võ. Đây chính là điểm để người quản ngục ngưỡng mộ Huấn Cao. Người ta vẫn thường nói rằng, hình ảnh một phản nghịch là hình ảnh không tốt. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao xây dựng nên nhân vật Huấn Cao, bởi ông muốn thông qua nhân vật này để thể hiện sự chán ghét, muốn lật đổ trật tự của một xã hội cũ.
Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù được xây dựng với hình ảnh một người nghệ sĩ tài hoa cùng nét chữ điêu luyện, và sâu bên trong đó là khí phách của một người anh hùng và tấm lòng nhân hậu. Một người khiến người khác phải ngưỡng mộ. Qua đó, Nguyễn Tuân còn khéo léo ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Tác phẩm thể hiện quan niệm thẩm mỹ vô cùng sâu sắc của nhà văn về cái đẹp, giá trị và nghệ thuật được nhắc đến trong tác phẩm đều hướng đến con người.
Theo một lý lẽ thông thường, viên quản ngục phải là người ghét Huấn Cao thế nhưng với cách xây dựng nhân vật độc đáo, ở nơi được xem là “địa ngục” không được đánh giá cao về đạo đức, ấy vậy mà nhân vật Huấn Cao vẫn được hiện lên một cách đẹp nhất, từ con người đến tâm hồn. Điều này càng khiến cho người đọc có thêm niềm tin sống trong một xã hội loạn lạc, ở bất cứ nơi đâu cũng dễ nhìn thấy con người lừa lọc nhau thì ở đâu đó vẫn có những con người luôn hướng đến cái thiện.
Khi đứng trước “án tử của cuộc đời” rất nhiều người tỏ ra sợ hãi, vì con người ta sẽ tiếc nuối rất nhiều thứ ở trần thế. Tuy nhiên, Huấn Cao thì không giống như vậy, ông đối diện với cái chết vô cùng nhẹ nhàng. Qua đó thấy được nhân cách cao đẹp của Huấn Cao.
Trích đoạn hay trong Chữ người tử tù
Trong đề lao, ngày đêm của tử tù đợi phút cuối cùng, đúng như lời thơ xưa, vẫn đằng đẵng như nghìn năm ở ngoài. Viên quản ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn. Y cũng thừa hiểu những người chọc trời quấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù.
Quản ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho… cho mấy chữ trên chục vuông lụa trắng đã sẵn và can lại kia. Thế là y mãn nguyện.
Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào cái sở nguyện của viên quan coi ngục này có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữa ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.
Nguyễn Tuân – nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp
Nếu bạn là fan cứng của Nguyễn Tuân, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra các tác phẩm nghệ thuật của ông đều có sự hiện diện của cái đẹp, có những tác phẩm chúng ta phải ngẫm nghĩ rất lâu mới có thể phát hiện ra điều đó, tuy nhiên, điều này đủ để chứng minh niềm yêu thích cái đẹp của Nguyễn Tuân.
Sự sáng tạo của Nguyễn Tuân là điều khiến độc giả trân quý, bởi nghệ thuật không nên lặp đi lặp lại, nghệ thuật phải là sự sáng tạo mới có thể mang lại một tác phẩm vừa có giá trị về nghệ thuật vừa mang lại bài học đắt giá cho con người.