Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam, ông được xem là người trưởng thành trong cả hai cuộc kháng chiến của đất nước. “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm văn học nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Tác phẩm Chiếc lược ngà được viết vào năm 1966 khi tác giả đang ở chiến trường Nam Bộ. “Khi viết tôi như không nghe tiếng rít của máy bay, như không nghe tiếng bom nổ và rất lạ, có bạn trẻ Châu Thanh bên cạnh, tôi thấy yên tâm, tôi viết một mạch từ sáng đến trưa thì xong. Đó là truyện ngắn đầu tiên tôi trình làng qua Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam trong buổi “Đọc truyện đêm khuya”.
Nguyễn Quang Sáng – nhà văn tài hoa
Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn tài ba, ông bén duyên với văn chương từ khi còn rất trẻ, giọng văn của ông để lại cho độc giả nhiều ấn tượng bởi nó phản ánh được hiện thực cuộc sống, giản dị và mang lại giá trị cho bạn đọc. Mặc dù đã “đi xa” tuy nhiên số lượng tác phẩm ông để lại khiến người khác phải ngưỡng mộ. Và cho đến thời điểm hiện tại, các tác phẩm ấy đã và đang để lại nhiều dấu ấn cho người đọc.
Đặc biệt, khi nhắc đến Nguyễn Quang Sáng bạn đọc không thể nào quên được tác phẩm Chiếc Lược Ngà với nhân vật bé Thu, tác phẩm nói về tình phụ tử vô cùng đẹp đẽ của bé Thu và ông Sáng, tình cha con cảm động hơn trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện ngắn Chiếc Lược Ngà đã lấy đi nước mắt của rất nhiều độc giả. Và chắc hẳn là những người sống trong cảnh bom đạn của chiến tranh mới hiểu được tình cảm ấy sâu nặng như thế nào.
Tình phụ tử giữa “bom đạn”
Chiếc lược ngà xoay quanh hai nhân vật chính là ông Sáu và bé Thu. Ông Sáu là người vì tổ quốc, vì nhân dân, ông dành 8 năm trời ở ngoài chiến trường để bảo vệ độc lập dân tộc và mãi đến sau này ông mới có cơ hội về thăm cô con gái bé bỏng của mình. Ngày ông đi, bé Thu chỉ mới một tuổi và những tháng năm ở chiến trường, ông chỉ có thể nhìn ảnh Thu để thỏa lòng mong nhớ con gái mình.
Trước khi được về thăm con, ông đã rất xúc động và bồi hồi, hình ảnh đứa con gái bé bỏng luôn hiện hữu trong tâm trí ông.
“Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra, khiến tôi bị chới với. Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to:
- Thu! Con.”
Thế nhưng, trái ngược với sự mong chờ của ông Sáu, bé Thu khi gặp cha mình lại tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy vết sẹo của ông. Trong thời gian ngắn ngủi ông Sáu về nhà, bé Thu không thể chấp nhận đó là ba mình, bé ngày càng xa cách anh hơn.
Bé Thu không chịu gọi ba vì trên mặt ông Sáu có một vết thẹo dài khiến bé sợ hãi, đây là vết thương do chiến tranh để lại cho ông, bé Thu nhận thấy người ba trong ảnh và người ba thực tế quá khác biệt. Thế nhưng, sau khi nói chuyện cùng bà ngoại thì bé Thu đã hiểu ra vết thẹo ấy vì sao mà có, bé càng thương ba hơn.
“Thôi, ba đi nghe con!”
“Ba”
Tiếng ba ấy khiến ông Sáu ngỡ ngàng và bất ngờ, ông hạnh phúc vô cùng vì sau ba ngày nghỉ phép về với gia đình cuối cùng bé Thu cũng gọi ông là ba. Mặc dù rất thương con, thế nhưng khi Tổ quốc gọi tên, ông Sáu bắt buộc phải đi. Tình yêu đất nước, tình yêu gia đình đã tạo nên một người công dân có phẩm chất tốt đẹp. Không chỉ thế mà tình phụ tử còn khiến cho người ta cảm động hơn bao giờ hết.
Lời hứa mua chiếc lược, thế nhưng không thể trao tận tay, người cha ấy đã hy sinh trong một trận càn của Mỹ. Qua đó thể hiện được sự dũng cảm, tinh thần yêu nước của ông Sáu, vì đất nước có thể hy sinh cả bản thân mình. Và sau sự kiện ấy, bé Thu càng hiểu hơn về người cha của mình, rồi Thu xin má đi làm liên giao. Cô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người liên giao.
Tác phẩm không chỉ khiến người đọc cảm động về tình phụ tử mà đó còn là sự tiếp nối truyền thống yêu nước trong một gia đình. Vì ảnh hưởng tư tưởng của bố nên bé Thu quyết định gia nhập đội quân giải phóng, điều này thể hiện được sự yêu nước của cô bé ấy vô cùng lớn lao.
Tác phẩm khắc họa nỗi đau chiến tranh và tình cha con đầy cảm động
Khi ông Sáu ngã xuống, người ta nhìn thấy tinh thần yêu nước của nhân dân ta, cho dù phải hy sinh cả tính mạng của mình và sự căm thù giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Và tác phẩm còn khắc họa tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh đang vô cùng khốc liệt. Chiếc lược ngà – câu chuyện cảm động thời chiến để bạn đọc hiểu hơn về những ký ức không thể nào quên của ông cha ta.
Trích đoạn hay trong sách Chiếc Lược Ngà
Mỗi lần nhìn thấy cây lược ngà nhỏ ấy là mỗi lần tôi băn khoăn và ngậm ngùi. Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ, tôi bị xúc động như lần ấy. Trong những ngày hòa bình vừa lập lại, tôi cùng về thăm quê với một người bạn. Nhà chúng tôi ở cạnh nhau gần vàm kinh nhỏ đổ ra sông Cửu Long. Chúng tôi cùng thoát ly đi kháng chiến, đầu năm 1946, sau khi tỉnh nhà bị chiếm. Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi. Anh thứ sáu và cũng tên là Sáu. Suốt mấy năm kháng chiến, chị Sáu có đến thăm anh mấy lần. Lần nào anh cũng bảo chị đưa con đến. Nhưng cái cảnh đi thăm chồng ở chiến trường miền Đông không đơn giản. Chị không dám đưa con qua rừng. Nghe chị nói có lý anh không trách được. Anh chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ thôi. Đến lúc được về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà, đoán biết là con, không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra.
Lời kết
Một tác phẩm mang lại cho bạn đọc nhiều cảm xúc và tình cảm, đặc biệt là những ai đang sống xa gia đình sẽ phần nào hiểu hơn về ý nghĩa của những cuộc gặp mặt. Không quan trọng chúng ta đang ở đâu, quan trọng là trái tim chúng ta đặt ở đâu.