Học văn được hiểu là cách giúp chúng ta gần gũi với đời sống thông qua con chữ. Học văn để hiểu hơn về đời, về con người và về tình cảm giữa con người với con người. Thông qua mỗi tác phẩm văn học tác giả muốn người đọc thay đổi góc nhìn, có cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và thế giới xung quanh chúng ta. Chính vì thế học văn tưởng dễ nhưng lại không đơn giản như vậy, rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn học luôn cần thiết với tất cả mọi người.
Rèn luyện kỹ năng cảm thụ Văn học
Đây là một trong những khó khăn của không ít học sinh, nhìn sâu vào vấn đề chúng ta thấy được rằng nếu học dựa trên tinh thần yêu thích, say mê học sinh sẽ có kết quả học tập cao hơn. Và đặc biệt kiến thức bộ môn Văn học có thể dễ dàng áp dụng vào đời sống của học sinh.
Cảm thụ văn học là gì?
Cảm thụ văn học là một quá trình tiếp nhận, hiểu, cảm được văn chương, tính hình tượng của văn chương, đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, đặc trưng phản ánh nghệ thuật của văn chương một cách sáng tạo. Đó là sự cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc, tế nhị và đẹp đẽ của văn học thể hiện trong tác phẩm.
Cách cảm thụ văn học ở mỗi người là khác nhau, nó phụ thuộc vào trình độ, mức độ tiếp nhận kiến thức, tình cảm, thái độ sống của mỗi người. Chính vì thế khi đọc một tác phẩm văn học chúng ta nên lưu ý những điều sau: thứ nhất, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, thứ hai tâm trạng của tác giả khi viết tác phẩm và cuối cùng đó là nội dung chủ đạo của tác phẩm. Từ đó, chúng ta hãy cảm nhận nó theo cách của riêng mình trước khi đọc tài liệu tham khảo.
Văn chương cần sự sáng tạo
Ngữ văn – bộ môn không phải có công thức là có thể trở thành người học giỏi mà văn chương luôn cần sự sáng tạo. Bài viết cần có sự cảm nhận sâu sắc và trí tưởng tượng phong phú từ học sinh. Việc cảm thụ từ đó cũng dần chuyển sang việc liên hệ văn học với cuộc sống thường ngày của học sinh. Khi học một tác phẩm, học sinh cần đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để cảm nhận. Ví dụ trong tác phẩm nổi tiếng của nền Văn học Việt Nam đó là tác phẩm Chí Phèo
Chí là một tên chuyên rạch mặt ăn vạ, gặp ai hắn cũng chửi, đi đâu hắn cũng chửi, hắn chẳng khác gì con quỷ dữ của làng Vũ Đại lúc bấy giờ. Thế nhưng đằng sau hình ảnh tiếng chửi ấy là một quá khứ đáng thương không phải ai cũng biết. Chí bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng tại một lò gạch, may mắn được người ta nhặt về nuôi, sau này Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến và trong một lần ghen tuông Bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Sau khi ra tù hắn trở thành con người khác hoàn toàn. Cho đến khi gặp Thị Nở cuộc đời của Chí bước sang trang mới, hắn khao khát trở thành người lương thiện… ấy vậy mà xã hội lúc bấy giờ không cho hắn cơ hội để sửa sai.
Có thể nói những chi tiết nhỏ trong tác phẩm Chí Phèo đã làm nên tác phẩm, chi tiết bát cháo hành của Thị Nở tượng trưng cho tình yêu lứa đôi, nhờ đó mà Chí nhớ về những ước mơ nhỏ bé của mình ngày trước, khao khát trở thành người lương thiện trỗi dậy.
Trong truyện ngắn Trăng sáng (1943) nhà văn Nam Cao có viết một đoạn như thế này: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than.”
Sự sáng tạo trong văn chương cũng cần có nguyên tắc, nó không được quá bóng bẩy và đi xa sự thật. Người viết cần bám vào thực tế để đưa ra dẫn chứng thuyết phục người đọc.
Cảm thụ văn học vừa dễ lại vừa khó
Cảm thụ văn học là sự cảm nhận giá trị trong tác phẩm, đó có thể là giá trị nổi bật hay đơn giản là chi tiết nhỏ bé thế nhưng những điều ấy lại làm nên vẻ đẹp của nhân vật, ý nghĩa của tác phẩm. Cảm thụ văn học của mỗi người là khác nhau, nó được quyết định bởi nhiều yếu tố như: sự cảm nhận về cuộc sống, hoàn cảnh sống, năng lực của người đó và cả thái độ của người đó khi đối diện với cuộc sống. Và cảm thụ văn học ở mỗi giai đoạn cũng chẳng giống nhau. Ví như ngày còn đi học khi đọc trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia trong Số đỏ của tác giả Vũ Trọng Phụng chúng ta cảm nhận được sự bại hoại về đạo đức của một gia đình, sự vô cảm của con cháu. Sau này khi trưởng thành hơn, trải nghiệm nhiều hơn chúng ta sẽ phát hiện ra ở xã hội ngày nay “Hạnh phúc của một tang gia” không chỉ tồn tại trên sách vở nó còn là hiện thực ngoài đời. Trải nghiệm của chúng ta ra sao thì cách chúng ta cảm thụ văn học thế ấy.
Thế mới nói cảm thụ văn học tưởng dễ mà lại khó, tưởng khó mà lại dễ. Nó phụ thuộc vào sự trải nghiệm, sự sâu sắc trong mỗi chúng ta.
Rèn luyện viết, cảm thụ văn học
Để rèn luyện kỹ năng này thật tốt đầu tiên chúng ta cần nắm vững kiến thức cơ bản, nội dung của các tác phẩm, sau đó chúng ta cần trau dồi vốn từ nhiều hơn, tích lũy kiến thức về cuộc sống để làm dẫn chứng trong văn học.
Khi phân tích một đoạn văn, một tác phẩm chúng ta phải liên hệ với thực tế cuộc sống, không nói những điều quá xa lạ để lạc đề. Cách sử dụng hình ảnh, biện pháp tu từ cũng vô cùng quan trọng.
Để bài văn bạn cảm thụ không bị lạc đề, không quá loãng hãy tập trung vào đề bài, chọn lọc từ ngữ, hình ảnh để miêu tả sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Nói không với việc chép văn mẫu hay bắt chước văn của người khác. Bạn phải là người sáng tạo ra bài viết của mình, từ đó kỹ năng cảm thụ văn học của bạn mới được nâng cao.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp độc giả, đặc biệt là các em học sinh có thêm nhiều kiến thức mới về kỹ năng cảm thụ văn học. Chúc các em đạt được kết quả cao trong học tập.