Cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Và đi ngược với sự phát triển văn minh ấy là thực trạng “giả” vô cùng nhức nhối. Một xã hội vì đồng tiền mà từ bằng cấp, thuốc, đồ ăn,… bất cứ thứ gì cũng có thể giả được và đến cả đạo đức cũng giả. Và nếu xã hội vẫn tiếp tục tồn tại thực trạng này đạo đức con người sẽ xuống cấp và mang đến nhiều hệ lụy khác nhau.
Đạo đức giả là là cách ứng xử giả tạo, dùng vỏ bọc đạo đức bên ngoài để che giấu sự vô đạo đức bên trong, những người đạo đức giả nhằm trục lợi cho bản thân mình nên họ phải che giấu con người thật của mình. Đạo đức giả là lối sống giả dối, không đúng với con người thật của một người vậy nên đạo đức giả là một trong những căn bệnh cần được loại bỏ khỏi xã hội.
Chúng ta rất khó nhận ra căn bệnh đạo đức giả này, bởi những người mắc căn bệnh này họ vô cùng khéo léo để che đậy hành vi của mình. Bên ngoài họ có thể nói chuyện vui cười với bạn, thực tế bên trong có thể họ đang nói xấu bạn và đang nghĩ cách để trục lợi cho bản thân họ.
Giá trị của một con người nằm ở vẻ đẹp tâm hồn của người đó vậy nên những bộ mặt đạo đức giả đã làm đánh mất giá trị của một con người thật sự. Khi con người dùng những ngôn ngữ đẹp đẽ để nhằm che giấu đi hành vi xấu xí của mình. Ở bất cứ môi trường nào cũng xuất hiện những kẻ đạo đức giả. Trong lớp học sẽ luôn tồn tại người chỉ biết ganh tị với điểm của người khác mà không nhìn vào đó để nỗ lực, tuy nhiên bên ngoài người này vẫn giả vờ thân thiết với tất cả mọi người, nhưng sau lưng thì lại đặt điểu nói xấu họ. Trong môi trường làm việc, có người luôn tỏ ra thân thiện với đồng nghiệp nhưng bên trong lại ghen ghét đồng nghiệp, tìm cách để chèn ép, nói xấu và khiến cho đồng nghiệp ấy bị người khác ghét. Những trường hợp này đúng với câu nói “Bề ngoài thơn thớt nói cười mà bên trong lại nham hiểm giết người không dao.”
Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, các đối tượng lừa đảo lại vô cùng chuyên nghiệp vậy nên thật giả lẫn lộn. Ở trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết khác nhau chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của người nghèo. Thực tế những người này chỉ đang dùng lời nói, hình ảnh để nhằm nhận được sự thương cảm của cộng đồng mạng, từ đó nhận được sự ủng hộ của mọi người và những kẻ này sẽ trục lợi cho bản thân họ. Họ dàn dựng, giả mạo để người khác tin tưởng và làm rất bài bản, tinh vi khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội khó nhận ra được kẽ hở của những kẻ này.
Những kẻ đạo đức giả thường dùng vẻ ngoài tri thức, hành động trông có vẻ tích cực để che đậy hành vi xấu xí của mình. Có không ít người nhân danh việc “từ thiện” để trục lợi cá nhân. Ngày nay hành động này được ngụy trang một cách tinh vi hơn. Những người này sẽ không ngừng tìm kiếm hình ảnh của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sau đó đăng tải kêu gọi quyên góp tiền, rồi trục lợi cho bản thân mình. Chưa bao giờ, hoạt động thiện nguyện lại trở thành mối lo ngại cho xã hội ngày nay, khi có nhiều người đã “ăn chặn” từ thiện, mang danh là người tốt, thực tế họ đã ăn chặn rất nhiều tiền từ thiện từ mạnh thường quân nhưng vẫn được gắn mác là người tốt, hoạt động thiện nguyện nhiều.
Thói đạo đức giả vẫn tồn tại trong xã hội như một điều “bình thường”. Mọi người khó thường “đeo mặt nạ” để sống, họ thích nói đạo lý thế nhưng bản thân lại không sống đúng với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Họ luôn nói những câu nói thể hiện sự tử tế của bản thân, còn bên trong tâm địa độc ác, chỉ muốn hạ bệ người khác để mình đi lên. Vẻ ngoài hào nhoáng, đi xe xịn, ở nhà sang thế nhưng bên trong lại là những âm mưu xấu xa. Những kẻ “đạo đức giả” thường phô trương bản thân quá đà, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của bản thân đầu tiên, họ có thể gạt bỏ lợi ích của xã hội, của cộng đồng qua một bên, điều này dẫn đến sự bức bối trong xã hội.
Đạo đức giả là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, mang lại nhiều tác hại lâu dài cho xã hội. Trước hết, với cá nhân khi chúng ta giả tạo, sống không đúng với bản chất của mình, chúng ta sẽ dần mất đi sự thuần khiết, lương thiện của mình. Con người trở thành một kẻ không ra gì, bên trong suy nghĩ một đằng mà bên ngoài lại hành động một nẻo. Dần dần chúng ta sẽ mất đi nhân cách đáng quý, mất đi sự tin yêu của những người xung quanh khi họ chẳng biết đâu là con người thật của bạn nữa. Khi con người nói với nhau những câu nói giả tạo, làm gì cũng không chân thật, chúng ta sẽ khó cảm nhận được tình cảm của nhau, thay vào đó lúc nào bạn cũng thấy khó chịu vì không biết đâu là bộ mặt thật của người ta.
Đối với xã hội, căn bệnh đạo đức giả sẽ khiến cho chúng ta không biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả, con người sẽ mang bộ mặt “giả tạo” ra để đối xử với nhau mà không quan tâm đến giá trị thực sự của con người, của cuộc sống. Khiến cho xã hội bị mất cân bằng khi có quá nhiều giá trị ảo, chúng ta chẳng thể phân biệt được. Đạo đức giả khiến đạo đức của con người xuống cấp trầm trọng, giá trị của một con người dần bị đánh mất khi chúng ta giả tạo với nhau.
“Nếu người khác tôn trọng bạn, hãy tôn trọng họ. Nếu nhỡ không may, họ không tôn trọng bạn, thì hãy cứ tôn trọng họ, đừng để hành động của người khác ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của bạn bởi vì bạn chính là bạn chứ không phải là ai khác.”
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để trở thành một học trò chăm ngoan, nói không với căn bệnh “đạo đức giả”.