Dù trong bất cứ thời đại nào thì việc học luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên người có tài cần đi đôi với việc có đạo đức tốt mới được mọi người quý trọng. Chính vì thế mà ông cha ta có câu tục ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
“Tiên học lễ” là việc đầu tiên con người cần làm đó là rèn luyện về đạo đức, nhân cách làm người và đó cũng là truyền thống từ bao đời nay của ông cha ta. “Hậu học văn” ở đây có nghĩa là con người cần phải trau dồi kiến thức của mình mỗi ngày, khi có được tri thức rồi chúng ta mới có thể làm việc lớn. “Tiên học lễ, hậu học văn” ý muốn nói rằng con người chúng ta cần phải có trí tuệ và đạo đức, phải có tâm hồn cao thượng và trái tim rộng mở.
Câu tục ngữ đưa ra bài học vô cùng quan trọng với mỗi chúng ta, đó là khi chúng ta muốn đi xa hơn, chúng ta cần phải học hỏi và phát triển kiến thức của mình, việc tu dưỡng đạo đức, sống có nguyên tắc là điều cần thiết. Đạo đức là một thứ cần thiết với cuộc sống hàng ngày, trước khi đến trường học chữ chúng ta đã phải học cách chào hỏi, lễ nghi với cuộc sống này. Việc tôn trọng, nói chuyện lịch sự, lễ phép với người lớn là một trong những nguyên tắc quan trọng để sau này chúng ta tư duy đúng đắn về con người, về cuộc sống và nó là quá trình hình thành một con người có nhân cách tốt.
Tư duy, thái độ sống của mỗi người là thứ quan trọng bởi nó là thước đo đánh giá nhân cách của một con người. Nếu bạn không tôn trọng những người lớn tuổi, ăn to, nói lớn, không biết phép tắc, mọi người sẽ đánh giá bạn là một người sống tùy tiện, không biết cách kiềm chế hay các lễ nghi thông thường.
Bill Gates vị tỷ phú nổi tiếng thế giới với nhiều thành tựu khiến chúng ta không ngừng trầm trồ và ngưỡng mộ, ông có khoảng thời gian dài nỗ lực để đạt được điều mình muốn. Khi nói về giáo dục ông từng nói rằng: “Trường học có thể không phân biệt người thắng thua. Trong một số trường học, có thể có những cơ hội để cải thiện điểm số và đạt thành tích cao hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta không thể mong chờ những cơ hội thêm như vậy.” Điều này giống với việc nhiều học sinh chỉ học bài ở trên lớp, khi về nhà không tự tìm tòi, học hỏi từ những cuốn sách, tài liệu khác. Việc học một cách thụ động, không nỗ lực sẽ khiến cho chúng ta khó có thể phát triển. Học tập là việc của cả đời người, chúng ta không chỉ học mỗi trong sách vở, học khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà bạn cần phải rèn luyện nhân cách bản thân mỗi ngày. Ngoài việc có đạo đức tốt, chúng ta phải không ngừng trau dồi kiến thức, đó là kỹ năng sống, đó là những kiến thức có thể áp dụng vào cuộc sống.
Vị cha già vĩ đại chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Và Bác của chúng ta cũng là minh chứng sống cho câu nói trên. Bác Hồ là một người vừa có tài vừa có đức, Bác không ngừng trau dồi kiến thức và phẩm chất đạo đức của mình qua thời gian. Chính vì thế mà Bác chính là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu chúng ta nói theo. Lời dạy của Bác giúp chúng ta nhận ra cuộc sống cần phải cân bằng giữa trí tuệ và đạo đức. Nếu bạn có đạo đức nhưng kiến thức không có vậy bạn sẽ chẳng thể làm được việc gì nên hồn, bởi dù chúng ta có tâm hồn đẹp ra sao nhưng không nỗ lực trau dồi kiến thức đến một ngày chúng ta sẽ trở nên tụt hậu vì thiếu kiến thức cuộc sống trầm trọng. Ngược lại, khi chúng ta có tài nhưng không có đức, chúng ta sẽ không thể đặt tâm mình vào trong những việc chúng ta làm, sớm muộn gì điều chúng ta làm cũng sẽ không được bền vững.
Một người có kiến thức vô cùng uyên bác, vốn hiểu biết sâu rộng nhưng họ lại không biết cách đối nhân xử thế, họ không coi trọng đạo đức vậy những kiến thức sâu rộng mà người ấy biết cũng chẳng có bất cứ giá trị gì với cuộc sống. Một người vừa có đạo đức tốt, vừa có kiến thức sâu rộng sẽ nhận được sự yêu quý từ mọi người. Đạo đức, lễ nghi chính là nền tảng phát triển của xã hội. Những ai có đạo đức tốt, yêu quý, giúp đỡ mọi người sẽ nhận lại sự công nhận, yêu mến từ mọi người và đây cũng là cơ hội tốt để người này có khả năng phát triển. Ngược lại, nếu một người không có đạo đức, sẽ bị xã hội xa lánh, bởi ai cũng muốn tiếp xúc với người có đạo đức, cư xử chuẩn mực.
Thực tế cho thấy, đạo đức của học sinh ngày nay đang ở mức báo động, nhiều em vô tư thoải mái nói tục trước mặt thầy cô, thậm chí nhiều học sinh còn “tác động vật lý” với bạn bè, thầy cô. Thái độ không tôn trọng người khác, đạo đức xuống cấp của một số bộ phận học sinh ngày nay. Vậy nên nhà trường, phụ huynh cần có biện pháp xử lý mạnh những em học sinh có thái độ không đúng đắn với thầy cô, bạn bè. Học đường là môi trường giáo dục vậy nên cần hướng các em đến môi trường học tập văn minh, rèn luyện các em trở thành những công dân có nhân cách tốt, học thức tốt.
Sự lười biếng, không học hành đến nơi đến chốn có thể biến con người ta trở thành một kẻ không có phép tắc, không có kiến thức. Cuộc sống không có kiến thức thật sự rất đáng sợ, bởi xã hội ngày càng phát triển, nếu chúng ta không có sự hiểu biết, chúng ta sẽ không thể theo được bước tiến của xã hội. Những người lười học tập, lười lao động cần được lên án, phê phán để xã hội ngày một tốt lên.
Là một học sinh, chúng ta cần phải nhận thức đúng về chuẩn mực đạo đức, phép tắc và lễ nghĩa. Khi gặp thầy cô, những người lớn tuổi chúng ta cần phải chào hỏi lễ phép, không được có những câu nói hay thái độ thiếu tôn trọng họ. Thể hiện mình là một người có ăn, có học đàng hoàng tử tế chỉ có như vậy người khác mới ấn tượng về bạn.
Câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” giúp chúng ta có bài học quý báu về cuộc sống. Con người muốn phát triển, muốn thành công trước hết phải có đạo đức, biết phép tắc và lễ nghi cuộc sống sau đó đến sự chăm chỉ trau dồi kiến thức mỗi ngày. Đứng trước xã hội có nhiều sự thay đổi như hiện tại, mỗi cá nhân cần không ngừng học tập, không ngừng trau dồi bản thân để mình không bị lạc hậu, không bị xã hội bỏ lại phía sau. Câu tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” như một châm ngôn sống của mỗi người, dù thế nào đi chăng nữa việc học cũng vô cùng quan trọng, hy vọng mỗi người đều ý thức được việc này và chăm chỉ học tập hơn.