Học Ngữ VănNgữ văn THCS

Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” chi tiết từ A đến Z

1773

Dân tộc Việt Nam có rất nhiều truyền thống tốt đẹp, một trong số ấy là truyền thống yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Người giàu giúp người nghèo, người nghèo giúp người nghèo hơn, cứ thế lan tỏa, gìn giữ và ngày càng phát huy truyền thống nhân đạo đó. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam, có nhiều câu văn góp phần thể hiện điều ấy như “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ,… và đặc biệt câu tục ngữ phổ biến được sử dụng trong đời sống nhiều,đó là “Lá lành đùm lá rách”. Vậy “Lá lành đùm lá rách” là gì? Nếu chưa hiểu rõ thì cùng tham khảo bài giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách ngay dưới đây.

“Lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam

1. Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” 

Để hiểu nghĩa của câu tục ngữ, bạn cần xét ở cả hai nghĩa đen và bóng. Về nghĩa đen, câu tục ngữ gợi ra hình ảnh dễ hiểu là khi các bà, các mẹ gói hay làm đồ ăn nào đó bằng lá, sẽ chọn những lá lành để bên ngoài để bọc những lá rách bên trong, có như vậy thì nhân bên trong chiếc lá mới giữ được, giúp bánh ngon và đẹp mắt. 

Tuy nhiên câu tục ngữ không dừng ở nghĩa đen đơn giản như thế, theo nghĩa bóng, “lá lành” ở đây nhằm chỉ đến những người có sống tốt đẹp, vui vẻ, hạnh phúc và đủ đầy, “lá rách” chỉ những người có cuộc sống vất vả, khổ cực, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Qua đó, cả câu muốn nhắn nhủ chúng ta một điều, khi mình may mắn được hưởng cuộc sống ấm no hơn người khác, hãy biết yêu thương và chia sẻ những điều tốt đẹp với họ, phải biết đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau. 

Câu tục ngữ khuyên chúng ta nên sống biết chia sẻ và yêu thương lẫn nhau

Mỗi người sinh ra đều có một cuộc sống riêng, sẽ có người hạnh phúc nhưng cũng có người khổ nghèo. Vì thế, sự đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ là điều vô cùng cần thiết, chính những điều ấy giúp con người lại gần với nhau, lan toả những giá trị tốt đẹp còn mãi. Những điều cho đi là những điều còn mãi, người cho đi sẽ cảm thấy hạnh phúc, còn người nhận về sẽ cảm thấy ấm lòng, cảm thấy không bị bỏ lại phía sau. Ý nghĩa đằng sau câu tục ngữ này sâu sắc đến vậy! 

Tinh thần đoàn kết, nhân đạo đã là một truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, bên cạnh câu “Lá lành đùm lá rách” còn nhiều câu ca dao, tục ngữ khác khuyên bảo con người sống biết chia sẻ và yêu thương nhau: 

“ Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. 

 

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng” 

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”

“Thương người như thể thương thân”.

Sống ở trên đời, chúng ta nếu không thật sự dành cho nhau những yêu thương thì cũng đừng vội tỏ thái độ khinh bỉ, dè bỉu coi thường, xa lánh những người mang phận nghèo khổ hơn mình; điều đó không giúp mình tốt lên mà chỉ khiến bản thân trở nên xấu đi, dần đánh mất đi đạo đức và nhân cách sống. Hãy nên nhớ rằng, chỉ có sự thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia mới mang đến cuộc sống tốt hơn, khiến cho những con người cùng khổ có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu trong cuộc sống.

2. Làm thế nào để phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”? 

Nếu trước đây, trong những năm chiến tranh, toàn dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù xâm lăng và khi chiến tranh qua đi, thêm một lần nữa tinh thần đoàn kết lại trỗi dậy cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt lên trên khó khăn, hàn gắn nỗi đau chiến tranh để lại. Cả dân tộc đã phải cố gắng để thoát khỏi nạn đói rồi lại nạn dốt… với một tinh thần và ý chí vô cùng kiên trung và mạnh mẽ. 

Sang đến tận ngày hôm nay, khi đất nước ta sống trong hoà bình, dân tộc Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những quốc gia có nhiều tiềm lực về kinh tế, văn hoá, giáo dục thì một lần nữa tinh thần tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách” lại nổi hơn bao giờ hết. Tinh thần ấy thể hiện rõ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, khi cả nước chìm trong những ngày cách ly ảm đạm và rồi cả dân tộc đoàn kết đứng lên, vùng không cách ly hỗ trợ vùng bị cách ly, hàng nghìn bác sĩ tình nguyện lên đường tham gia công tác chống dịch, những bữa cơm miễn phí, thực phẩm 0 đồng được chuyển tới tận tay những người mắc Covid,…Chẳng bao giờ kể hết những tình cảm mà hàng nghìn, hàng triệu con người Việt Nam dành cho nhau. Dịch bệnh qua đi, cả dân tộc lại ấm lòng và vui sướng hân hoan khi đã sát vai cùng nhau đi qua những thời khắc khó khăn nhất để rồi hiểu rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Thế mới thấy tinh thần nhân đạo của Việt Nam to lớn đến nhường nào. Đã có người may mắn sống và những người không may mất đi, vợ mất chồng, con mất bố mẹ và cứ thế nỗi đau dành cho người ở lại lúc nào cũng quá lớn nhưng may mắn thay vẫn còn những tấm lòng của các nhà hảo tâm đã tình nguyện hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do có người mất trong do dịch Covid-19 đồng thời hỗ trợ con bị mất bố mẹ một số tiền ăn học cho đến năm 18 tuổi. Những hành động ấy như một ngọn lửa xoa dịu tâm hồn và thắp lên niềm tin vào một tương lai tươi sáng ở phía trước. 

Một điều trao đi – một hạnh phúc trở lại – hãy yêu thương nhau nhiều nhất có thể

Đừng hỏi phải làm gì để có thể thể hiện đúng tinh thần của câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, bởi vì sao? Đơn giản là chúng ta tập cách trao đi yêu thương, cách sống biết san sẻ những điều tốt đẹp từ những điều nhỏ nhất xung quanh, lan toả với tất cả mọi người những điều mình làm được, để trong tim mỗi người được sống trong tình yêu thương. Đôi khi làm việc thiện không phải để được ngợi khen mà đơn giản chỉ là cách để ta nhận về lời cảm ơn từ một người xa lạ nhưng bỗng thấy ấm lòng lạ thường. 

Làm gì thì mới đúng tinh thần nhân đạo sẻ chia khi chỉ mới là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường? Đơn giản cực kỳ bởi tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình chẳng hạn giúp một người ăn xin trên đường, quyên góp ủng hộ trẻ em vùng cao,…Và điều quan trọng bậc nhất là học thật tốt để giữ cho mình một khối óc thông minh, mai sau dùng chính nó để giúp ích cho đời; đồng thời một trái tim ấm nóng để luôn biết nói lời yêu thương. 

KẾT LUẬN:

Trải qua rất nhiều thời gian, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” vẫn còn nguy

ên giá trị giáo dục, khuyên răn cực kỳ quý báu đối với mỗi người. Đất nước Việt Nam vẫn còn những mảnh đời cơ cực, sống thiếu thốn vì vậy hãy biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để rồi khi nắng lên ai cũng có được cuộc sống hạnh phúc và bình yên. Hy vọng bài viết giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” bên trên đã giải đáp những thắc mắc của bạn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và đón đọc.

0 ( 0 bình chọn )

Văn Học – Blog Văn Học Việt Nam và Thế Giới

https://vanhoc.net
Văn Học (VanHoc.Net) - Trang web văn học online, nơi chia sẻ nhiều bài viết hay về văn học - nghệ thuật, các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới,...và nhiều thông tin bổ ích,hấp dẫn!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm