Những ngày thơ ấu – cuốn truyện mang đậm màu sắc đau buồn, đó là số phận bi kịch của chính tác giả với hàng loạt những câu chuyện liên quan đến gia đình khiến cho tuổi thơ của Nguyên Hồng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Vài nét về nhà văn Nguyên Hồng
Nguyên Hồng sinh năm 1918 tại Nam Định và mất năm 1982 ở Bắc Giang. Cha ông làm cai đề lao, sau đó thất nghiệp sa vào cảnh nghiện ngập khiến gia đình ông lao đao. Trái ngược lại, mẹ ông lại là người phụ nữ của gia đình, luôn biết yêu thương con cái và hy sinh vì con.
Nguyên Hồng bén duyên với văn chương khá sớm, năm 1936 ông đã viết truyện ngắn Linh hồn đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Năm 1937 tác phẩm Bỉ vỏ đưa Nguyên Hồng đến gần với độc giả hơn, Bỉ vỏ là một tác phẩm làm nên tên tuổi của ông.
Nguyên Hồng là người có tuổi thơ vô cùng bất hạnh, thiếu thốn về vật chất lẫn tình cảm. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, phải sống xa mẹ và ở cùng với gia đình nhà nội, ông chịu sự đày đọa, sỉ nhục từ chính người thân của mình. Tuổi thơ của ông phải trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc tồi tệ. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình yêu thương từ nhỏ chính vì thế Nguyên Hồng tự lập từ rất sớm, ông luôn chịu đắng cay tủi nhục để kiếm tiền mưu sinh.
Một số tác phẩm của Nguyên Hồng: Sóng gầm, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời, Thù nhà nợ nước, Núi rừng Yên Thế, Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Bước đường viết văn,…
Những ngày thơ ấu – bức tranh đượm buồn của cậu bé Hồng
Từ ngày còn rất nhỏ Hồng đã ý thức được việc bố mẹ cậu cưới nhau không phải vì thương nhau, ở một độ tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì, một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi. Hôn nhân giống như một sự sắp đặt từ gia đình hai bên và sự lo lắng của bố mẹ ngày ấy thế nên việc lấy nhau, đẻ con với cả hai chỉ giống như trách nhiệm còn tình cảm thì không có.
“Cha mẹ tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu mà thương yêu nhau. Chỉ vì hai bên cha mẹ, một bên hiếm hoi muộn chúa và có của; một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đẹp đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn, được cả một dòng họ tọng đãi nếu mắn con.”
Bi kịch kéo đến khi người cha trở nên nghiện ngập, người mẹ đi thêm bước nữa. Từ đó cậu bé Hồng không ai quan tâm, ở trong nhà phải chịu sự đáng cay, sỉ nhục thậm tệ từ người thân của mình, tuổi thơ của Hồng nhuốm đầy màu u tối.
Bố mất, cậu bé Hồng phải sống cùng bà cô độc ác, bà ta luôn giáo dục cho Hồng trở nên căm ghét chính bố mẹ mình. Những lời nhục mạ, mắng nhiếc và bôi nhọ bà luôn dành để nói về người mẹ kính yêu của Hồng. Thế nhưng Hồng là một cậu bé hiểu chuyện, cậu ý thức được tình yêu mẫu tử thiêng liêng chính vì thế dù bà cô có trù dập, nói xấu hay gieo rắc vào lòng cậu bé bao nhiêu sự xấu xí về người mẹ thì tình yêu thương của cậu dành cho mẹ vẫn không đổi thay.
“Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ. Hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn. Nhưng không phải vì thấy mẹ tôi chưa đoạn tang thầy tôi mà đã chửa đẻ với người khác mà tôi có những cảm giác đau đớn ấy. Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm trốn tránh như một kẻ giết người lúng túng với con dao vấy máu của nó.”
Đáng lẽ ra Hồng phải được tận hưởng tuổi thơ trọn vẹn như những đứa trẻ khác, Hồng xứng đáng nhận được tình yêu thương từ mọi người thế nhưng sự độc ác của người lớn đã khiến cho cậu bé bắt đắc dĩ phải trở thành người trưởng thành. Hồng luôn có sự tin tưởng, yêu thương mẹ vô điều kiện chính vì thế dù bà cô có buông những lời cay đắng nói về mẹ mình Hồng đều không để tâm, ông vẫn luôn yêu thương mẹ, bởi ông biết mẹ đã phải hy sinh nhiều như thế nào.
Phải chịu đớn đau từ khi còn rất nhỏ, cậu bé Hồng ý thức được về sự khốn khổ của cuộc sống khi mà nỗi đau này chưa nguôi nỗi đau khác đã chồng chất. Một đứa trẻ không nên có một cuộc sống như vậy, nó phải được vui chơi cùng bạn bè, phải có sự ngây thơ, sự vô lo vô nghĩ.
Những ngày thơ ấu không chỉ là tác phẩm khắc họa rõ nét về cuộc sống của Nguyên Hồng mà nó còn là toàn cảnh Việt Nam ta ở thời xưa, ở giai đoạn này đang có sự chuyển đổi sang cuộc sống hiện đại thế nhưng ở đâu đó những tư tưởng cổ hũ, lạc hậu vẫn còn tiếp diễn đày đọa người phụ nữ.
Mẹ của Nguyên Hồng đã phải tha hương cầu thực đi khắp nơi chỉ vì miếng cơm manh áo ấy thế mà bà còn phải sống dưới sự tủi nhục của lời ra tiếng vào…
“Nghe câu nói cứng cỏi ấy không biết mẹ tôi có thấy cả một lòng phẫn uất của tôi đã sôi lên không? Chịu bao nhiêu sự đầy đọa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương yêu, tôi đã nghiến răng dày đapoj lên những cái ác hèn hạ của những kẻ khinh bỉ tôi vì tôi là con một người góa hiền lành và cùng khổ vì phải bước sớm đi một bước nữa.”
Chính vì có một tuổi thơ bất hạnh cùng với hoàn cảnh khốn khó đã khiến Nguyên Hồng có sự đồng cảm sâu sắc với những người có thân phận thấp bé trong xã hội. Tác phẩm của Nguyên Hồng luôn hướng đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày thơ ấu là cuốn truyện viết về chính cuộc đời của Nguyên Hồng, bằng tài năng và sự khéo léo của mình Nguyên Hồng đã dẫn dắt người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những ngày thơ ấu xứng đáng là một tác phẩm văn học của mọi thời đại.