“Lạc giữa tần số chữa lành” bao gồm 13 mẫu truyện ngắn giúp bạn vực dậy tinh thần, hiểu và cảm thông cho những người bị mắc kẹt trong “hố đen của tâm lý”. Những câu chữ kiên cường sẽ truyền động lực giúp người trẻ vượt qua tháng ngày bão giông, dũng cảm hơn để đối diện với chính mình.
Dự án Trầm
TRẦM là một dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh dùng truyền thông để xóa bỏ định kiến về sức khỏe tâm lý, tâm thần được thành lập vào tháng 12 năm 2021.
Từ những bước đầu tiên đến hiện tại, chúng mình luôn hướng đến sự kết nối giữa TRẦM và người theo dõi, độc giả của dự án. TRẦM tự hào khi được đồng hành cùng những người trên hành trình “đi tìm chính mình”. Vượt qua rào cản địa lý, chúng mình đã cùng gắn kết và chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và những câu chuyện khác của cuộc sống.
Cảm nhận về sách
Đứa trẻ bất hạnh lớn lên trở thành người lớn bất hạnh
Có thể nói chúng ta đang sống trong một xã hội có vô vàn áp lực đè nén khác nhau, khi người ta ngại thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài, rồi chúng ta dễ dàng trở thành “nô lệ” cho những bệnh tâm lý khác nhau mà không nhận ra.
Vết sẹo tâm lý không hề đơn giản, nó có thể đeo bám chúng ta suốt đời nếu bạn không biết cách chữa lành cho chính mình. Trong miền ký ức vụn nát vì những tổn thương, có đứa trẻ chẳng dám bước ra khỏi đó, điều duy nhất nó dám làm đó là giấu kín nó đi.
Khi không hiểu rõ về sức khỏe tâm lý, chúng ta dễ dàng bị cảm xúc tiêu cực nhấn chìm vậy nên hiểu đúng và đủ về sức khỏe tâm lý là điều cần thiết ở một người. Cuốn sách Lạc giữa tần số chữa lành sẽ giúp chúng ta chữa lành, để mỗi người đều hiểu rõ về bản thân mình.
Một đứa trẻ nếu lớn lên trong môi trường tiêu cực, chúng rất khó tìm được điều khiến mình hạnh phúc. Một người không được yêu thương sẽ không quen yêu thương người khác, đòn roi, bạo lực ngôn từ chính là những thứ tác động ghê gớm đến tâm hồn trẻ thơ.
Khi nhà không phải là nơi để trở về
Đôi khi thứ mà những đứa trẻ muốn không phải là món quà đắt tiền, là những bộ quần áo đẹp. Thứ mà chúng muôn rất đơn giản đó là sự thấu cảm, sự sẻ chia từ phụ huynh của chúng. Với con trẻ, chúng cần một gia đình thật sự chứ không cần vỏ bọc hoàn hảo. Sự áp đặt sẽ khiến cho tuổi thơ của một đứa trẻ “biến dạng”, đây là điều không ai mong muốn. Và nhiều khi phụ huynh không đặt mình vào vị trí của con, không hiểu được cảm giác mà con phải trải qua. Trong khi đó tuổi thơ là quãng thời gian quan trọng ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con em mình sau này.
Hy vọng các phụ huynh hãy hiểu một điều, muốn thấu hiểu con mình thì hãy đặt mình vào vị trí của các em để hiểu được cảm xúc mà các em đang phải trải qua. Đừng đặt kỳ vọng vào con em mình quá lớn, hãy để các con được sống đúng với độ tuổi của mình. Việc chèn ép, bắt các con học trong cường độ lớn sẽ khiến các con cảm thấy vô cùng ngột ngạt và đôi khi cuộc sống như vậy chẳng khác gì “địa ngục”.
“Hoa cần nước để sống, nhưng quá nhiều nước sẽ khiến cây chết úng. Con cái cần sự bao bọc để cảm thấy an toàn và hạnh phúc nhưng nếu quá độ thì chẳng khác nào một lồng giam tinh thần.
Con người không giống như robot, không làm việc theo mệnh lệnh của chủ nhân. Đó là lý do khiến những đứa con phản kháng. Như hai cực nam châm, từng lời nói sẽ đẩy phụ huynh ra khỏi vòng tin tưởng của con họ. Khoảng cách thế hệ từ đó chính thức được phân chia.”
Đừng bao giờ xem thường nỗi đau của người khác
Có người nhìn bên ngoài trông có vẻ hạnh phúc, cuộc sống lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Thế nên khi họ thật sự chia sẻ với bạn về cuộc sống không khác gì “địa ngục” của mình, bạn bắt đầu hoài nghi, liệu có phải người kia đang làm lố lên hay không? Thực tế cuộc sống làm gì áp lực đến nỗi vậy.
Hay một ai đó mất hơn 1 năm để vực dậy nỗi đau sau thất tình, chúng ta cho rằng người này quá lụy tình, làm như vậy là không xứng đáng một chút nào. Thế nhưng, bạn chỉ đứng ở bên ngoài, bạn không trong hoàn cảnh như vậy làm sao mà hiểu được… Có những người một khi đã yêu họ sẽ yêu bằng tất cả sự chân thành, bằng tất cả những gì mà họ có được. Vậy nên khi chia tay họ cũng đau lòng như vậy…
Em ấy sinh ra trong gia đình vô cùng đặc biệt, một gia đình mà: “Cha đánh mẹ. Mẹ khóc. Nhưng mẹ không nói gì.” Một gia đình mà bạo lực là một nếp sống sinh hoạt, một thói quen thường nhật. Để rồi em tiếp tục là nạn nhân của bạo lực học đường, hệt như mẹ.”
Trích dẫn hay trong sách
CUỘC CHIẾN KHÔNG BOM ĐẠN
Thế hệ trước đều đã đi qua nhiều cuộc chiến com go. Những tháng ngày bom rơi lửa đạn hay những đêm ngày cơm áo chẳng đủ đầy, họ đánh cược mọi thứ mà họ có, thậm chí là cả mạng sống. Họ đánh đổi để giành lấy một thứ quyền mà vốn dĩ mỗi cá nhân khi sinh ra đều được cuộc đời ban tặng, đó là: quyền được sống.
Thời nay, ta được hít thở trong bầu không khí của hòa bình, không còn phảng phất mùi tử khí, không còn cay nồng mùi bom rơi đạn lạc. Nhưng một loại “giặc” khác lại âm thầm tấn công, vào giai đoạn cả xã hội chưa biết gọi tên là gì. Chúng không như đạn bạc, không ghim thẳng vào tim khiến ta chết ngay. Nhưng chúng có khả năng ăn mòn niềm tin. Chúng mang tên: những vấn đề tâm lý.
Và thế là một cuộc chiến khác nổ ra.
Trong cuộc chiến này; già, trẻ, lớn, bé; ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Nhưng vì sao nhiều người thuộc thế hệ trước lại không xem sức khỏe tinh thần là một “vấn đề” mà luôn cho rằng người trẻ thời nay sao yếu đuối thế. Tuy không thừa nhận sự hiện hữu của sức khỏe tâm lý, nhưng nhiều người trong số họ đã trở thành nạn nhân. Những di chứng của chiến tranh ăn sâu vào đời sống thường nhật. Những gì đau đớn nhất, khốc liệt nhất sống dậy trong tâm trí họ.
Lời kết
Ngày nay, sức khỏe tâm lý đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội. Hàng loạt vụ “kết thúc” cuộc đời bằng tự tử giống như một hồi chuông cảnh tỉnh con người đã đến lúc phải quan tâm đến vấn đề tâm lý của bản thân. Hy vọng dù bạn đang ở độ tuổi nào và làm công việc gì cũng đùng quên sức khỏe tâm lý vô cùng quan trọng.
Chúc cho tất cả chúng ta có thật nhiều năng lượng để tận hưởng tuổi trẻ tốt nhất và cuốn sách “Lạc giữa tần số chữa lành” sẽ đồng hành cùng bạn trên chặng đường phía trước!