Sách kỹ năng

Giận – Hòa bình bắt đầu từ chính bạn

533

Có rất nhiều chuyện khiến chúng ta không thể kiềm chế khi cơn giận bộc phát, thế nhưng sau khi nó xảy ra bạn cảm thấy ân hận vô cùng vì lời nói, hành động của mình khi giận dữ. Sự nóng giận đôi khi khiến chúng ta làm tổn thương người khác, khiến chúng ta hành động theo bản năng. Hãy cùng VanHoc.Net đọc cuốn sách “Giận” của thiền sư Thích Nhất Hạnh để chúng ta học cách kiềm chế cảm xúc nhé!

Cảm nhận về sách Giận

Đôi nét về thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, ông sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926, mất ngày 22 tháng 1 năm 2022. Ông là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam.

Thiền sinh Thích Nhất Hạnh là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Những bài thuyết giảng, cuốn sách của ông được rất nhiều độc giả đón đọc.

Một số đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Muốn an được an, An lạc từng bước chân, Hạnh phúc cầm tay, Từng bước sen nở, Phép lạ của sự thức tỉnh, Hỏi đáp từ trái tim,…

Cảm nhận về sách 

Thực tập hạnh phúc

Rất nhiều người trong chúng ta tìm kiếm hạnh phúc qua những món đồ đắt tiền, nhà lầu, xe hơi,… nếu không trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, không được ăn món ăn ngon thì họ sẽ cảm thấy bản thân thật bất hạnh. Thế nhưng hạnh phúc thật sự không nằm ở phía bên ngoài mà nó đến từ bên trong mỗi chúng ta. Nhiều người giàu có, có địa vị trong xã hội nhưng họ lại chẳng cảm thấy bản thân hạnh phúc, thậm chí có người còn tìm đến cái chết để giải thoát cho chính mình.

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.”

Chúng ta cứ mải mê chạy theo những thứ vật chất xa hoa phù phiếm mà quên mất hỏi bản thân rằng bạn có đang thật sự hạnh phúc. Liệu chạy theo tiền bạc có làm cho cuộc sống của bạn tốt lên, bạn sẽ hạnh phúc khi mình giàu có ư? Hãy hướng vào bên trong, nơi tâm hồn của chúng ta để bạn biết rằng hạnh phúc là sự cảm nhận, là cho đi mà không mong cầu nhận lại, là một tâm hồn biết cảm nhận mọi thứ đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Biến rác thành hoa

“Người làm vườn sử dụng phân xanh sẽ không bao giờ vứt bỏ rác. Người ấy biết rằng rác cần thiết để biến đổi thành phân xạnh, nhờ đó mà có được rau cải, hoa trái. Trên đường thực tập, bạn cũng là một người làm vườn đang sử dụng phương pháp hữu cơ.”

Biến rác thành hoa
Giận – Thích Nhất Hạnh

Trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy bản thân tức giận kinh khủng, bạn đụng cái gì sẽ phá hỏng cái đấy, bạn trút hết tất cả mọi sự bực tức ấy lên những người xung quanh. Kết quả mọi thứ không thể giải quyết mà còn tệ đi rất nhiều. Cơn tức giận cũng có tính chất hữu cơ nếu chúng ta có thể thay đổi. Ví như khi tức giận bạn không nên nói chuyện, đợi bản thân bình tĩnh lại sau đó phân bua mọi chuyện thật phân minh.

Tìm hiểu bản chất của cơn giận

“Khi ai làm cho ta giận ta thường cho rằng chính người đó làm cho ta khổ. Ta đổ lỗi hoàn toàn cho người đó. Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đó có sẵn trong ta dưới hình thức một hạt giống, hạt giống giận.”

Nếu bạn chú ý quan sát thì có không ít người gặp hoàn cảnh tương tự như bạn nhưng họ không hề tức giận, ngược lại họ rất điềm tĩnh. Đó là bởi vì họ đã tu tập chăm sóc cơn giận của chúng mình. Khi tức giận bạn hãy để ý đến người bên cạnh bạn, họ cũng đang đau khổ vậy nên đừng gieo rắc thêm sự tiêu cực lên người họ.

Muốn giải quyết triệt để một vấn đề nào đó thì điều đầu tiên chúng ta cần phải đi tìm hiểu bản chất của nó. Bản chất của tức giận là gì? Tức giận hiểu đơn giản là một loại cảm xúc của con người, chúng ta tức giận vì cuộc sống không diễn ra theo ý muốn của mình, chúng ta giận dữ vì bị người khác nói xấu, bị sếp mắng,… nó được xem là một loại cảm xúc bình thường. Thế nhưng nếu không biết kiềm chế cơn giận, đôi khi nó sẽ biến bạn thành một người cọc cằn, có thể giận dữ bất cứ lúc nào, lâu dần sẽ không ai muốn ở bên cạnh bạn vì sự tiêu cực bạn mang lại cho người khác. Vậy nên dù là ai, dù đang làm công việc gì thì chúng ta cần học cách kiềm chế cảm xúc của mình.

Hòa bình bắt đầu từ chính bạn

Trước khi con người muốn thay đổi cuộc sống của mình bạn nên xem lại cách sinh hoạt, ăn uống của bản thân. Phải ăn uống khoa học như thế nào thì cơ thể của chúng ta mới có thể khỏe mạnh, từ đó mới khiến cho chúng ta có tinh thần vui vẻ.

Bắt đầu từ chính bản thân chúng ta, nếu bạn luôn xem mọi thứ xung quanh mình là thù địch, bạn soi xét mỗi người từng tý một, bạn nói xấu người khác, bạn luôn nghĩ tiêu cực về họ vậy thì thế giới xung quanh bạn chẳng thể hòa bình.

“Luôn luôn có cách để tạo ra niềm vui, an lạc, hòa điệu, và chúng ở trong tầm tay bạn. Cách bạn đi đứng, thở cười, phản ứng, tất cả đều rất quan trọng. Bạn phải bắt đầu bằng những cái đó.”

Chúng ta sẽ là một bông hoa tỏa ra hương thơm ngát cho đời từ đó người và vật mới muốn tiếp cận và đến gần bạn, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này thật tốt đẹp và bạn muốn mang những điều tốt đẹp ấy đến với đời.

Trích dẫn hay trong sách

Nếu tâm từ bi được duy trì trong suốt thời gian lắng nghe thì sân hận, bực dọc không thể phát hiện. Nếu không thì những gì người ấy nói ra sẽ khiến cho bạn bực dọc, sân hận và khổ đau. Chỉ cần tâm từ bi thôi, bạn cũng đã được che chở khỏi bị bực dọc, sân hận và khổ đau.

Đừng chờ cho đến khi giận rồi mới đi mua quà. Hãy đi mua quà khi đang cảm thấy tràn đầy thương yêu, và biết ơn. Nhưng đừng gửi quà đi vội. Hãy cất giữ lại đấy. Bạn có thể có nhiều quà như thế cất sẵn trong tủ. Sau này, khi giận thì sẽ gửi quà đi. Hiệu quả vô cùng. Bụt quả là rất thông minh.

Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.

Trích dẫn hay trong sách Giận

Lời kết

Hành động bộc phát khi cơn giận xảy ra đôi khi khiến chúng ta chẳng có cơ hội để sửa chữa sai lầm của mình. Vậy nên việc học cách kiềm chế cảm xúc, cư xử một cách điềm đạm hơn luôn là bài học đắt giá với tất cả chúng ta.

Review bởi Dương Hạnh

0 ( 0 bình chọn )

Văn Học – Blog Văn Học Việt Nam và Thế Giới

https://vanhoc.net
Văn Học (VanHoc.Net) - Trang web văn học online, nơi chia sẻ nhiều bài viết hay về văn học - nghệ thuật, các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới,...và nhiều thông tin bổ ích,hấp dẫn!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm