Đã bao giờ bạn cảm thấy sợ hãi vì không thể giải tỏa cảm xúc của mình? Bạn không muốn đối diện với nỗi cô đơn của mình? Đây là những vấn đề của nhiều người trẻ đã và đang gặp phải. Cuốn sách “Đời hạnh phúc khi làm chủ cảm xúc” sẽ giúp bạn giải đáp tất cả thắc mắc trên, hướng bạn đến cuộc sống hạnh phúc.
Cảm nhận sách Đời hạnh phúc khi làm chủ cảm xúc
Đời hạnh phúc khi làm chủ cảm xúc – cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về hạnh phúc, chúng ta cần phải thấu hiểu nội tâm của chính mình, lúc này bạn mới biết được sứ mệnh của mình với cuộc đời này là gì.
Vì sao có lúc bạn lại cảm thấy trống rỗng?
Có nhiều lúc chúng ta đi chơi một mình, thu một góc tại một quán cà phê bạn bắt đầu ngắm nhìn thế giới xung quanh mình ngoài kia, rất nhiều gương mặt xa lạ, có người đang tất bật làm việc, cũng có người vô tình đi lướt qua bạn… bạn liên tục đưa điện thoại ra chỉ để xem giờ, xem đi xem lại những tấm hình trong điện thoại và bạn nhận ra mình không thuộc về thế giới này, trong đầu đột nhiên trống rỗng.
Một đống suy nghĩ chạy trong đầu, bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, cuộc sống không phải lúc nào cũng đáp ứng mọi yêu cầu của chúng ta, khi gặp trường hợp như thế này bạn nên để bản thân bình tâm lại và đối mặt với mọi thứ xung quanh. Trống rỗng là lúc chúng ta không nên để bản thân căng thẳng hay bắt ép bản thân hiểu mình ngay lập tức. Bạn phải bình tĩnh, nhìn nhận lại mọi thứ để bắt đầu điều chỉnh lại cảm xúc.
“Khi giá trị bản thân của một người bị chèn ép cũng xuất hiện tâm lý trống rỗng. Ví dụ như những bạn trẻ phải chịu sự quản giáo quá nghiêm khắc hay những thành tích và sự cố gắng của người trưởng thành không được xã hội công nhận trong một thời gian dài đều sẽ dẫn đến việc hình thành nên cảm xúc tiêu cực và tâm lý trống rỗng.”
Chính vì thế khi bạn bị stress, căng thẳng tột độ vì những yêu cầu của bố mẹ hay đơn giản là kỳ vọng của mọi người xung quanh. Bạn cần nghiêm túc suy nghĩ mấu chốt vấn đề ở đâu, có phải bạn đang bị chèn ép hay bạn dùng sai cách để thể hiện giá trị của riêng mình. Làm chủ cảm xúc của bản thân là một điều cần phải làm.
Nếu chúng ta không được thỏa mãn những như cầu về tinh thần trong một khoảng thời gian bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, trống rỗng vô cùng. Con người luôn có nhiều nhu cầu về tình cảm, tinh thần và cả vật chất. Để trạng thái trống rỗng này không tìm đến chúng ta cần phải biết được nhu cầu bản thân đang mong muốn là gì, bạn phải đáp ứng được nó.
“Phàn nàn chính là hành động vô ích tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, hơn nữa một khi rơi vào thì sẽ chẳng thể nào thoát ra được. Phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề, đây mới là lối tư duy hợp lý và đúng đắn.”
Bạn có phải người lạc quan thái quá?
Khi chúng ta gặp bất cứ vấn đề tiêu cực, mệt mỏi gì trong cuộc sống thường bạn sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên, ví như phải suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Thực tế nếu lạc quan thái quá đôi khi sự tích cực ấy sẽ bị phản tác dụng.
“Lạc quan thái quá hay còn gọi là lạc quan phiến diện dùng để chỉ sự đánh giá quá cao xác suất xảy ra những sự việc tích cực trong cuộc sống.” Một ví dụ dễ hiểu cho hành động lạc quan thái quá đó là nhiều người đang bị yếu kém trong một lĩnh vực nào đó nhưng họ vẫn lạc quan cho rằng mình đã nỗ lực rất nhiều, mình có chuyên môn trong lĩnh vực ấy.
Khi hiện tượng này xảy ra nó sẽ tác động trực tiếp đến quá trình lựa chọn của người ấy và có khả năng sẽ dẫn đến hành động sai lầm khi lạc quan. Chúng ta tích cực là tốt nhưng nếu “tích cực phi thực tế” sẽ tác động đến cuộc sống của bạn rất nhiều, khi thất bại bạn sẽ không thể chấp nhận được sự thật.
Chúng ta cần phải biết lúc nào cần lạc quan, lúc nào cần nhìn thẳng vào thực tế để biết được năng lực thật sự của bản thân là gì? Nếu lúc nào bạn cũng cho rằng mình cần phải lạc quan vì bản thân đã nỗ lực rất nhiều bạn sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái thõa mản bản thân, không muốn cố gắng. Vậy nên không phải lúc nào tích cực cũng tốt.
Bỏ bê bản thân thì làm sao có thể hạnh phúc?
Rất nhiều bạn trẻ lấy lý do bận rộn, mệt mỏi mà không dọn dẹp nhà cửa, đi làm về sẽ tự nhốt mình trong phòng, không ra ngoài vận động hay gặp gỡ người khác. Tưởng chừng như những thói quen này chỉ tồn tại khi bạn mệt mỏi, bạn cần được nghỉ ngơi thực tế về lâu dài chúng ta sẽ trở nên lười biếng, thiếu trách nhiệm với bản thân. Bạn ngày càng lấn sâu vào tiêu cực, không cho bản thân có cơ hội thoát ra khỏi nó.
Chính vì thế, hãy quan tâm bản thân như cách bạn quan tâm người xung quanh, rằng hôm nay bạn có chuyện gì không vui, bạn mệt mỏi ra sao, bạn cần chăm sóc như thế nào? Cách bạn quan tâm bản thân sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống tinh thần của bạn vậy nên đừng bỏ bê bản thân.
“Hãy học cách trở thành người bạn tốt của chính mình, luôn thấu hiểu cảm xúc của bản thân, hiểu rõ giá trị quan và luôn biết quan tâm, an ủi chính mình. Mỗi khi cuộc đời tỏ ra thật vô lý, phải học cách đối xử dịu dàng với mình mới được.”
Trích dẫn hay trong sách
Muốn tránh khỏi năng lượng tiêu cực mà người khác mang lại, chúng ta cần chuẩn bị cho mình khả năng suy nghĩ độc lập, dùng thái độ tích cực để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Chúng ta hãy học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân, không chỉ là để “miễn nhiễm” với sự lây truyền của cảm xúc tiêu cực mà còn là để tâm trạng thoải mái, tràn đầy năng lượng lan tỏa được đến mọi người xung quanh.
Những thứ ta nhìn thấy chưa chắc đã là sự thật, hãy dùng cái tâm để cảm nhận nó. Một trái tim lý trí có thể giúp chúng ta thoát khỏi những điều u mê bịa đặt trước mắt để nhìn thấu được sự thật.
Đúng là những người xung quanh sẽ có ảnh hưởng và tác động đến chúng ta, nhưng quyền chủ động cuộc sống thì vẫn nằm trong tay mình. Điều quan trọng không phải là để ý xem người ta là người như thế nào mà là hiểu rõ mình là người như thế nào.
Lời kết
Những vấn đề tâm lý là chuyện con người thường xuyên gặp, chúng ta không cần phải luôn có suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề, bạn có thể tiêu cực để cân bằng cảm xúc nhưng hãy nhớ rằng mọi chuyện đến với chúng ta trong cuộc đời này đều có một ý nghĩa riêng. Sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng chúng ta thêm yêu cuộc sống và có thêm nhiều trải nghiệm khác nhau.
Review bởi Dương Hạnh