Cuộc sống hiện đại, có nhiều vấn đề mà con người cần phải quan tâm đến. Một trong số đó là sức khỏe tinh thần của bản thân. Trầm cảm, chấn thương tâm lý thời thơ ấu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn ăn uống, chứng nhạy cảm cao,… sẽ được giải thích một cách cụ thể và đưa ra phương án giúp bạn chữa lành trong cuốn sách “Bên trong chúng ta đã vụn vỡ như thế nào?”
Cảm nhận về sách
Khi bị trầm cảm, chúng ta sẽ cảm tưởng như bản thân bị rơi vào một chiếc hố một mình bạn đối diện với sự đen tối ấy, không có bất cứ cách nào để trèo lên, mất hết sức lực và chính bạn cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Và khi có một vài người đi ngang qua, họ sẽ gửi cho bạn vài lời động viên, cũng có vài lời chỉ trích cho rằng bạn quá yếu đuối. Thế nhưng, lời an ủi ấy thật “vô thưởng vô phạt” giống như một người đang buồn và bạn bắt đầu đến an ủi người ta rằng “Hãy vui lên!” nó chẳng có bất cứ tác dụng nào.
Chỉ có những ai đã và đang bị trầm cảm mới hiểu được cảm giác ấy kinh khủng như thế nào… thậm chí nhiều người khi không được tham vấn tâm lý và chữa trị họ có thể làm những hành động như tự gây tổn thương đến mình, không có năng lực để làm việc như người bình thường. Có không ít người bị trầm cảm thường bị nhiều người phán xét rằng “yếu đuối” , “không có bản lĩnh” , “kẻ vô dụng”,… và một loạt lời chỉ trích khác.
Và tất nhiên rồi, thông qua cuốn sách này chúng ta không thể chữa khỏi căn bệnh tâm lý cho bản thân. Tuy nhiên, chúng ta cần có kiến thức về tâm lý vậy nên việc đọc sách và tìm hiểu về tâm lý của bản thân là một điều cần thiết. Đặc biệt là đối với người trẻ, chúng ta cần phải biết rõ vấn đề của bản thân là gì. Nếu bạn đang bị mất cân bằng trong cuộc sống, bạn gặp phải các vấn đề tâm lý, hãy đọc cuốn sách này để biết rằng chúng ta không hề cô đơn.
Người ta thường xem nhẹ các vấn đề tâm lý trong cuộc sống
Áp lực từ công việc, cuộc sống, các mối quan hệ đôi khi mang lại cho con người ta cảm giác mệt mỏi, căng thẳng vì không biết nên bắt đầu giải quyết nó từ đâu. Và lâu ngày khi con người không giải phóng áp lực ấy sẽ dẫn đến nhiều tác hại khác nhau như không có tinh thần làm việc, mất ngủ, áp lực tâm lý và dần dần sẽ dẫn đến trầm cảm.
Có những trải nghiệm tồi tệ sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy bản thân không còn được yêu thương, không biết làm thế nào để tự chữa lành cho chính mình và rồi chúng ta lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn của một việc nào đó. Kết quả chúng ta dễ rơi vào trạng thái tiêu cực quá mức, không có cách thoát khỏi nó.
Việc xem nhẹ những triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh tâm lý khiến cho người trẻ dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng cuộc sống. Họ bắt đầu lạm dụng nhiều thứ như thức khuya, đồ uống có cồn và dần rơi vào cuộc sống không biết nên làm gì để tốt hơn. Khi chúng ta có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, quan tâm đến đời sống tinh thần cá nhân của mình nhiều hơn sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta bớt đi những điểm tiêu cực.
“Những trải nghiệm từ quá khứ như tai nạn, bạo lực, hay lạm dụng, có thể tạo ra những vết thương sâu sắc trong tâm trí và tình cảm của chúng ta. Chún gta có thể trở nên sợ hãi, lo lắng và khó tin tưởng người khác. Cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có thể áp đặt lên chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy bị hạn chế, bất an và không thể thoát ra khỏi quá khứ đau buồn.”
Mong bạn đồng hành và thấu hiểu cho người trầm cảm
Có không ít người trong chúng ta cho rằng người bị trầm cảm là bởi vì họ không đủ mạnh mẽ để chữa lành cho chính mình. Họ yếu đuối và dễ bị cảm xúc chi phối, thực tế thì trầm cảm đôi khi xuất phát từ hành trình tuổi thơ của một ai đó bị tổn thương tâm lý nặng, từ đó họ bị ám ảnh tâm lý cho đến giai đoạn tuổi trưởng thành, khi không hiểu rõ về trầm cảm, người ta bắt đầu phán xét, đưa ra những nhận xét không đúng về trầm cảm, điều này lại càng khiến cho người bị trầm cảm cảm thấy mệt mỏi và đau đớn hơn.
Có thể bên ngoài, người trầm cảm lúc nào cũng vui vẻ, hướng ngoại và tích cực vậy nên khi họ nói mình bị trầm cảm, chẳng ai tin điều này là có thật. Thế nhưng, vì công việc không cho phép họ thể hiện cảm xúc cá nhân, họ đã che đậy cảm xúc thật của mình và rồi khi mọi thứ bắt đầu vụn vỡ… họ không thể kiềm được cảm xúc của mình nữa.
Hãy ở bên cạnh người trầm cảm, gửi đến họ những tình yêu thương ấm áp nhất, giúp họ vượt qua tháng ngày tăm tối của cuộc đời.
“Thay vì vội vàng đưa ra lời khuyên hoặc hướng dẫn cho những người bị trầm cảm, thừa nhận những khó khăn và nỗi đau mà họ đang phải đối mặt có thể là thứ họ cần ngay lúc này, chỉ cần kiên nhẫn và bầu bạn bên cạnh họ là được. Những gì họ cần là được thấu hiểu và được nhìn thấy.”
Trích dẫn hay trong sách Bên trong chúng ta đã vụn vỡ như thế nào?
Bị đổ lỗi vô vớ, người bị đổ lỗi thường rơi vào những cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, buồn bã, thất vọng, ấm ức, cảm thấy mất kiểm soát, cô đơn, bị bỏ rơi, bị bắt nạt, bị phản bội trong cách mối quan hệ gia đình, xã hội hoặc thân mật. Trường hợp nghiêm trọng, những người chịu tội thay sẽ bị sang chấn tâm lý trong một thời gian dài.
Trước khi một ngôi nhà bị phá vỡ, nó đã sụp đổ từ lâu rồi. Thường thì những điều chúng ta nghĩ khiến chúng ta cảm thấy đau đớn lại là những “mục tiêu” được tô đẹp và có thể nói ra. Những gì chúng ta thực sự sợ hãi và lo lắng đều ẩn sau lớp vỏ này. Đôi khi chúng ta có can đảm để đối mặt với chúng, và đôi khi chúng ta không có đủ sức mạnh. Hãy kiên nhẫn đợi chờ.
Điều đau đớn nhất đối với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực là chứng trầm cảm và hưng cảm của họ xen kẽ nhau, có lẽ bạn sẽ thấy tâm trạng của họ tăng vọt trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí còn cảm thấy rằng họ là chủ nhân của thế giới. Đôi khi họ lại chán nản, buồn bã đến mức không thiết sống nữa.
Con người rất dễ bị mắc kẹt trong ảo tưởng khi chán nản và lo lắng. Tất cả những suy nghĩ tồi tệ sẽ tập hợp lại. Ví dụ như tôi xong đời rồi, tôi không bao giờ khá hơn được nữa, tôi thật tồi tệ, mọi thứ thật tồi tệ. Chúng ta có xu hướng khiến bất cứ điều gì xảy ra trở nên tồi tệ, rồi lồng nó vào sự tự đánh giá và kỳ vọng trong cuộc sống tương lai.
Lời kết
Bên trong chúng ta đã vụn vỡ như thế nào – Ngày hôm nay hãy để cuốn sách này chữa lành cho bạn, đừng quên rằng chúng ta ai cũng xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn ngày hôm qua!