Truyện ngắn - Tản văn

Tết bản xưa

669

Khi chùm lê bật bông trắng như tuyết ngoài vườn, trong một sáng tinh sương. Ấy là mùa xuân đã về trên bản tôi. Nơi tôi sinh ra là một bản người Thái heo hút của tỉnh Sơn La. Những mái nhà sàn nhỏ như những cây nấm.

Sáng. Gió từ trong khe núi lô xô chạy ra cùng Êm đi chợ Tết. Sương vắt ngang qua những đỉnh núi cao vút, Êm đi đến đâu, những hạt sương vỡ ra, ngấm vào thịt da, nhoi nhói… Tôi cũng chạy theo Êm đeo một ca lếp nhỏ bên hông. Con Đốm thở ra một màn sương mỏng, chạy vượt lên trước, chốc chốc nó ghếch chân vào bụi cây ven đường tè một bãi đánh dấu và đứng đợi.

Gió len vào lớp áo mong manh để se sắt cái rét cắt da. Đi chợ phiên, nhất là chợ phiên cuối năm luôn làm lòng tôi thấy chộn rộn một niềm hân hoan khó tả. Khi ở nhà, lúc trời tối, tôi thường nhìn xuống nơi mà Êm bảo “Nơi đó là thị trấn”.

Ở đó sáng suốt đêm. Những ngày cận Tết, quầng sáng ấy rộng mãi ra. Tôi hay thắc mắc. Sáng suốt ngày đêm như thế, người ta ngủ vào lúc nào nhỉ? Càng về khuya, cái quầng sáng ấy càng rõ hơn. Như thể người trong bản mang hết sao trên trời mà vãi cả xuống ấy! Lạ thế chứ! Tôi mang theo thắc mắc ấy trong suốt những năm tháng tuổi thơ… Xuống đến chợ thì sương tan, nắng kiêu kỳ trải một lớp voan mỏng như mật ong, nắng như tơ thả xuống vàng dịu. Tôi thấy sắc xuân đã bừng lên khắp khu chợ nghèo quê tôi.

Chỗ bán dao, bán giấy dán cây nêu, chỗ bán dép, bán dầu, muối, rượu ngô… Hàng thắng cố đông hơn cả, khói bốc nghi ngút từ cái chảo to, những tiếng xuýt xoa khe khẽ. Mùi thảo quả, mùi mắc khén , mùi rượu ngô quện vào mùi khói từ những mấy gộc củi chụm đầu vào nhau cháy dưới cái chảo to đang sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút. Ấm sực, tiếng dao băm vào thớt kếch kếch. Tiếng cười lẫn tiếng rít thuốc lào nghe vui tai … Người trong bản tôi cũng thân nhau như mấy đốt ngón tay. Gặp nhau phiên chợ Tết, quen thì uống với nhau một bát rượu, lạ uống với nhau hai bát cũng thành quen. Cả năm mới có một phiên chợ Tết, đàn ông quên con dao, cái cuốc, đàn bà quên cái khung cửi cũng không ai cười mà!

Đàn ông xuống chợ mà không uống rượu, không gặp bạn thì khác nào tự vần tảng đá to mà ngăn cách con người với nhau. Gặp nhau bắt cái tay nhau thật chặt. Hỏi thăm nhau ăn Tết có to không? Ăn Tết to thì mừng cho nhau. Mời nhau đến nhà vào ngày đầu xuân uống với nhau bát rượu ngô mới, ăn cùng nhau miếng thịt mỡ lợn thơm.

Cái bụng cũng vui lắm! Êm mua lá về gói bánh đen, mua giấy xanh đỏ về dán cây Nêu mua một bó đũa đỏ, mua thêm muối, dầu đốt, mua cho tôi một đôi dép mới. Nắng xuân đã trải dọc con dốc về bản tôi.trời trong như ánh mắt trẻ thơ, nắng vàng rực như ai đem hết ngô ra mà tãi khắp rừng… Tôi thầm biết ơn những giọt nắng, tôi nghe những mầm măng vầu đang đội đất nhú lên… Dọn nhà ngày Tết là một việc làm cần sự tỷ mỉ của người phụ nữ. Êm tôi cẩn thận quét những mạng nhện đang giăng ngang dọc trên xà dóng (gác bếp).

– Quét không quét ngô lúa ra cửa trước, không quét hạt đỗ to đỗ nhỏ ra cửa sau, không quét sức khỏe xuống bậc cầu thang, không quét lời hay ý đẹp ra khỏi cổng.
– Quét, chỉ quét những điều không may mắn đi xa, quét bệnh tật theo gió mang đi, quét những cái xấu ra dòng dòng sông Mã trôi thật xa, không biết đường quay lại…

Gian bếp là nơi quan trọng nhất của dân tộc Thái. Cuối năm sau khi Ải (bố) cẩn thận lau dọn nơi thờ cúng, Êm là người dọn bếp. Người Thái bản tôi có hai gian bếp đặt trong nhà bếp gần chỗ ngủ của Ải (phay cốc) đặt đối diện với ban thờ, không dùng để nấu nướng, chỉ dùng tiếp khách quý và người có tuổi. Phụ nữ không được tự do ngồi bếp này. Gian bếp ngoài dùng để đun nấu và sinh hoạt chung. (phay pai). Ngày Tết, rất kiêng kỵ để lừa tắt. Êm tôi khéo léo vùi tro sao cho sáng hôm sau lửa vẫn ấm áp. Xà dóng (gác bếp), những cum nếp ám khói lên màu nâu óng toả mùi thơm nhẹ quện với hương trầm ấm áp.

Bao nhiêu cái Tết đã qua. Êm tôi vẫn giữ cho gian bếp ấm áp như vậy. Chõ xôi tỏa ra thơm phức, khi ngoài cửa là những cơn gió hun hút như tiếng hú của bầy sói hoang vọng vào núi đá, bị đánh bật trở lại. Giữa sàn bếp, lửa vẫn luôn ấm sực từ hai gốc củi to chạm đầu vào nhau, cháy không thành ngọn.

Chiều ba mươi Tết là lễ gội đầu của các Êm các dá (bà) trong bản tôi. Chẳng biết tục gội đầu bằng nước gạo có từ bao giờ nhưng tóc ai cũng mượt mà óng ả. Lễ gọi vía được thầy mo làm cho từng người trong nhà vào tối ba mươi Tết. “Ba mươi vía trước mặt, năm mươi vía sau lưng, vía đầy hai bên mình. Gọi vía về, buộc chỉ cổ tay để vía không đi chơi xa, cho cả nhà khỏe mạnh trong năm mới”

Lễ gọi vía được thực hiện trang trọng và ấm cúng. Sau bữa cơm tất niên. Mâm cơm cúng giao thừa được Êm Ải chuẩn bị rất chu đáo. Con gà cúng được Ải chăm cẩn thận từ lúc còn bé, cá nướng pa pỉnh tộp, cá chua, xôi, và bánh chưng đen, bánh chưng trắng. Cả áo mới, vòng bạc… cũng được đem cúng ma nhà. Cầu nguyện một năm mới làm ăn thuận lợi, no đủ.

Mâm cúng đêm ba mươi Tết được Ải trông cả đêm, không để hương tắt. Sáng mùng một, mùi xôi đã thơm nức.. Êm dậy sớm lắm! Thấy tôi Êm cười, nụ cười đẹp hơn cành mận vừa bung hoa trắng muốt ngoài vườn.

Tôi cùng Êm mang ống ra đầu nguồn con suối lấy nước. Trời vùng cao vẫn lạnh buốt, ngọt như lưỡi dao lam bén sẵn sàng cứa một nhát vào da thịt khi gió thổi tới. Mặc cho cái gió vẫn quất ràn rạt trên mặt đất, trong vườn, cả dưới gầm sàn. Con ngựa tía vẫn thủng thẳng nhai cỏ và lộp cộp gõ móng, hoa lê bật bông trắng muốt, hoa ban đang khẽ cựa quậy chờ ngày mai bung cả rừng ngập sắc xuân. Tôi chạy theo Êm, hai cánh mũi đỏ lựng. Tiếng chim nộc thua lúc xa lúc gần…

Năm nay nước suối vẫn đủ cho đàn bà giặt áo, cho đứa gái rửa gót chân, đủ để ủ ấm gốc lúa, đủ cho con cá không hở sống lưng. Con gái à! Mùa xuân đến sát cửa rồi! Êm bảo thế. Tôi thì thấy vẫn rét quá! Tiết xuân chùng chình như đứa gái lười biếng đang ngái ngủ… Sáng đầu năm, đi lấy nước đầu nguồn. Đổ vào cái ang khô vênh dưới gầm sàn. Cầu một năm mới no ấm.

Cả ngày mùng một Tết, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa, nghe Êm dá (bà nội) dậy những điều hay, lẽ phải, kể cho con cháu những phong tục, tập quán của người dân tộc mình. Ăn cơm mới bên bếp lửa ấm. Sáng mùng hai Tết Người hợp vía với Ải sẽ là người đầu tiên bước lên bảy bậc cầu thang vào nhà.

– Ôi dồ! Cho mình chúc mừng năm mới!
– Chúc cho tiền vào như nước chảy cửa trước, ngựa dê chen chân đầy cửa sau. Chúc nhiều cum lúa chắc chất đầy xà dóng, bạc trắng đầy ca lếp. Chúc mừng! Chúc mừng! Ai cũng cười, vui cái bụng quá! Rượu ngô mới sóng sánh đầy bát, thịt trâu nướng thơm phức, cơm nếp dẻo, cá pỉnh tộp nóng hổi! Cái bụng vui nhiều quá!

Ải tôi cùng khách đi các nhà khác trong bản chúc Tết:

– Chúc sức khỏe, sức khỏe nớ! Cái nương nhiều ngô nhiều thóc nớ!đàn ông thương vợ, đàn bà thương chồng nớ!… Trong vườn lê, những hạt sương căng tròn, mập ú vịn cong cả búp non đang cựa mình đâm trồi…

Chiều mùng hai Tết. Xuân đã ùa về khắp bản tôi, đàn bà mang thêm củi để đêm xoè ấm hơn, đàn ông chếnh choáng hơi men, vuốt lại tà áo , đến hội xoè thôi! Đứa gái má như táo chín, không cần ăn, cái vui về nhiều làm no cái bụng rồi, thằng trai thay bộ áo mới tủm tỉm cười một mình…

Êm không cho tôi đi xoè. Êm bảo mười lăm tuổi mới được đi! Lạ thế chứ! Cái Dẻn cái Thao mới có mười ba tuổi mà Ải Êm nó cũng cho đi mà! Nhưng tôi không giận êm, tôi ngồi canh bếp lửa, ăn cái kẹo gừng thơm mà Êm tự làm cay cay, ngọt ngọt. Xoè cho cây lúa nhiều bông, cây ngô nhiều hạt, con ngựa, con dê đầy đàn, bản mình cái ấm no về nhiều hơn năm trước… Những thằng trai tìm cách đứng cạnh những đứa gái mình thích, má đứa gái bắt lửa, đỏ au, ngượng quá! kệ! Tay thằng trai cứ nắm chặt hơn..bối rối, có lúc chân lạc cả nhịp xoè.

– Qua Tết mình bảo Ải Êm sang nhà bên ấy xin mua ít hạt giống tốt về gieo mảnh nương nhà mình nhé! Không tốt đâu! Hạt giống còn non mà!
– Được mà! Hạt giống non nhưng tra vào cái nương tốt sẽ mọc đều thôi !
– Không được mà! Đứa gái gỡ tay bạn chạy ra khỏi vòng xoè, thằng trai cũng bỏ vòng xoè, chạy theo… Ải Êm tôi về đến nhà đã gần nửa đêm. Tôi nghe tiếng nước xối rửa chân ào ào dưới sàn
– Con gái chưa ngủ à? Ải tôi xoa hai tay, hơ vào lửa. Êm vẫn giữ nụ cười. Tôi như thấy Êm mang theo cả hương đêm xoè đầu xuân về theo, ấm áp lạ! Sau Tết những lễ hội như ném còn, đẩy gậy, kéo co… còn kéo dài đến hết tháng giêng.

Mưa xuân sẽ làm đất xốp, tơi mềm, cỏ dưới lũng lại mọc xanh, đàn ngựa, đàn dê béo mũm mĩm, nước lại chảy đầy máng, mặt những đứa trẻ như tôi sẽ bớt nứt nẻ, đi trên con dốc sống trâu gồ ghề quen thuộc tới lớp để kiếm con chữ. Hoa mận, hoa ban bung cánh trắng muốt. Mùa xuân của ký ức trong veo, ngọt ngào như cổ tích. Nói bao nhiêu cũng chỉ đủ thốt lên một lời rằng. Mùa xuân ở bản tôi dù nghèo khó, vẫn đẹp vô ngần. Tôi nhìn thấy. Tháng giêng đang nhoẻn miệng cười.

Tác giả Duyên Phùng

Đọc Tết bản xưa của tác giả Duyên Phùng, cảm nhận sự thú vị lớn nhất của tác phẩm này không hẳn là sự mới mẻ của ý tưởng hay chất thơ đẫm xúc cảm về Tết bản xưa… mà là bản sắc đậm nét văn hóa Thái trong toàn bộ tác phẩm, từ tư duy nghệ thuật tới hình tượng ngôn từ, đến những chất liệu đời sống như được chắt ra từ không gian văn hóa TháiTết bản xưa thực sự đưa bạn đọc vào một không gian nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Cũng dễ hiểu, khi tác phẩm mang hơi ấm nồng nàn của trái tim một người con có tình yêu và sự gắn bó sâu đậm với quê hương mình.

0 ( 0 bình chọn )

Văn Học – Blog Văn Học Việt Nam và Thế Giới

https://vanhoc.net
Văn Học (VanHoc.Net) - Trang web văn học online, nơi chia sẻ nhiều bài viết hay về văn học - nghệ thuật, các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới,...và nhiều thông tin bổ ích,hấp dẫn!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm