Nguyễn Nhật Ánh được xem là cây cổ thụ trong làng Văn học Việt Nam khi ông luôn miệt mài sáng tác, những năm gần đây nhà văn Nguyễn Nhật Ánh liên tục có những tác phẩm mới đã cho thấy sự chăm chỉ và nhiệt huyết của ông. Các cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành cho rất nhiều lứa tuổi từ thiếu nhi cho đến người lớn, nó chứa đựng nhiều bài học về cuộc sống khác nhau!
Đôi nét về tiểu sử của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ ông là một người rất ham học, đến năm 1973 Nguyễn Nhật Ánh chuyển vào Sài Gòn sinh sống và theo nghề sư phạm tại đây.
Khả năng văn chương của Nguyễn Nhật Ánh được bộc lộ từ rất sớm, năm 13 tuổi ông đã có bài thơ đầu tay. Ông rất đa tài trong nhiều thể loại khác nhau, tuy nhiên những năm sau này ông chủ yếu tập trung vào văn xuôi, sáng tác các truyện ngắn và dài khác nhau.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình Nguyễn Nhật Ánh khiến giới báo chí tốn không ít giấy mực về những thành tích đáng ngưỡng mộ. Sách của ông bán rất chạy và thường nhanh chóng cháy hàng trong một thời gian ngắn phát hành.
Một số tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Hạ đỏ, Bồ câu không đưa thư, Trại hoa vàng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Bảy bước tới mùa hè, Cây chuối non đi giày xanh, Cảm ơn người lớn, Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, Những người hàng xóm, Cô gái đến từ hôm qua, Ngày xưa có một chuyện tình,…
Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ. Tôi sống xa quê hương, xa đất đai quê xứ, xa tuổi thơ rất sớm nên tâm hồn tôi luôn neo vào bến tuổi thơ. Tâm tính của tôi phù hợp với tuổi thơ nên có thể tôi sẽ viết mãi về tuổi thơ. Những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm.” Chính vì vậy mà trong những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh chủ đề liên quan đến tuổi thơ xuất hiện rất nhiều, nó khiến người đọc như được quay trở lại tuổi thơ tươi đẹp của mình.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một tác phẩm xoay quanh các nhân vật là Mận, Tường, Thiều,… câu chuyện về tình bạn giúp chúng ta quay trở về tháng năm tuổi thơ đầy mơ mộng. Mặc dù sống ở nơi thôn quê, không có nhiều điều kiện tốt như ở thành phố nhưng tuổi thơ lại luôn tràn ngập tiếng cười. Đặc biệt qua đôi mắt của trẻ thơ, nó lại càng đẹp và đáng trân trọng biết bao.
“Cho tôi một vé đi tuổi thơ” cũng được xem là một trong những tác phẩm viết về tuổi thơ thành công nhất trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Truyện xoay quanh các bạn nhỏ đáng yêu đó là cu Mùi, Hải cò, con Tủn và con Tí sún. Bằng giọng văn dí dỏm, Nguyễn Nhật Ánh đã mang đến cho độc giả một khung cảnh tuổi thơ vô cùng vui nhộn. Đó là mơ ước của nhiều người, có được một vé đi tuổi thơ, để được vô tư cười nói không cần lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền như thế giới của người trưởng thành. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – một tác phẩm giúp người đọc quay trở về tuổi thơ trên từng trang sách. Được biết tác phẩm này hiện tại đã được tái bản hơn 50 lần in và xuất sắc dành được nhiều giải thưởng văn học lớn. Và được dịch sang các thứ tiếng khác phát hành tại Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ.
“Kính vạn hoa” cũng được xem là một tác phẩm để đời của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cuốn truyện kể về những vui buồn, giận hờn của thời học sinh mà bất cứ ai cũng đã đang và từng trải qua. Những trò nghịch ngợm của thời con nít, những trò chơi hay suy nghĩ vô tư ngày ấy được xem như một thước phim tua chậm giúp chúng ta một lần nữa được quay về tuổi thơ của mình.
“Thuở bé, tôi mê cái kính vạn hoa, và bây giờ, tôi vẫn mê thứ đồ chơi này. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kỳ thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay, không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia.”
Có lẽ tuổi thơ cũng chúng ta đã từng như thế, từng ao ước nhanh chóng trở thành người lớn để được tự do. Mãi đến khi lớn thật rồi mới khao khát trở thành một đứa nhỏ được vô tư, hồn nhiên nghĩ về tháng ngày chỉ có đi học, rồi về nhà đi chơi cùng lũ bạn trong xóm. Cả lũ cùng bày ra rất nhiều trò chơi khác nhau, chỉ như vậy thôi cũng đủ khiến năm tháng ấy thật quý giá và bình yên biết bao.
Sau này trưởng thành rồi, nỗi lo cơm áo gạo tiền đôi khi khiến chúng ta từ bỏ ước mơ ngày bé. Chúng ta bắt đầu lao vào con đường kiếm tiền đến mức quên mất bản thân mình là ai, mình cần phải làm gì và dần dần đánh mất đi tháng ngày bình yên vốn có của mình. Vậy nên với nhiều người tuổi thơ luôn là khoảng thời gian vui vẻ và tuyệt vời nhất, thực tế ở độ tuổi nào cũng có thuận lợi và vất vả riêng. Chỉ hy vọng chúng ta dù là đứa nhỏ hay một người lớn đã trưởng thành đều vui vẻ đón nhận mọi thứ!
Nguyễn Nhật Ánh và những quan niệm về văn chương
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng cho rằng đối với ông viết sách chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Bởi những nhà văn sáng tác câu chữ đều được lấy chất liệu từ cuộc sống ngoài kia.
“Tôi thích viết văn, giản dị vậy thôi. Tôi viết văn không vì những lý do ngoài văn chương nên tôi không bị mất cảm hứng hay động lực. Khi viết, tôi thấy rõ mình đang sống. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích.”
Với lý do giản dị là nhà văn thích viết văn, thông điệp của những cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh viết mang đến cho người đọc rất nhiều suy ngẫm khác nhau. Trong nhiều năm sáng tác, những cuốn sách của ông không chỉ nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ độc giả mà còn rất nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim như: Nữ sinh, Kính vạn hoa, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Thằng quỷ nhỏ, Bong bóng lên trời,…
Sự thành công trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Nhật Ánh minh chứng một điều đó là với sự chăm chỉ, miệt mài, không ngừng sáng tạo của nhà văn đã mang đến cho độc giả những luồng gió mới giúp cho độc giả có thêm góc nhìn và rất nhiều sự hoài niệm khác nhau.