Từ xưa đến nay, dù trong bất cứ thời đại nào thì việc học luôn được ưu tiên lên hàng đầu. Học tập đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết học đúng cách, học để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn của chúng ta. Chính vì thế câu nói “Học đi đôi với hành” được ông cha ta lưu truyền đến ngày nay với ý nghĩa dù học gì đi chăng nữa thì việc thực hành là vô cùng quan trọng.
Học và hành là gì? Học là hoạt động tiếp thu tri thức của con người, khi chúng ta còn bé điều chúng ta học đó là học nói, học ăn và học đi. Lớn hơn một chút chúng ta sẽ được đến trường để học tri thức. Khi nhận được sự chỉ dạy tận tình từ thầy cô, từ sách vở chúng ta sẽ có góc nhìn khác về cuộc sống. Từ trước đến nay, việc học chưa bao giờ là dễ dàng với mỗi người, tuy nhiên nếu không học đến nơi đến chốn, chúng ta sẽ không có tri thức mà không có tri thức sẽ không trở thành một người tài giỏi. “Hành” ở đây có nghĩa là thực hành, dù kiến thúc chúng ta học có nhiều đến thế nào, nhưng không áp dụng nó vào thực tế thì cũng bằng không.
Học đi đôi với hành là phương pháp học tập đúng đắn và mang lại hiệu quả. Khi chúng ta chỉ học lý thuyết mà không có thực hành thì đó gọi là học vẹt, không thể nhớ kiến thức lâu. Ngược lại khi vừa học lý thuyết lại có thực hành chúng ta sẽ nhớ bài học lâu hơn, việc học cũng trở nên gần gũi hơn rất nhiều. Thực tế bên ngoài cuộc sống chúng ta sẽ phải va chạm, sẽ phải học từ những vấp ngã chứ nó không đơn giản là câu từ trong sách vở. Vậy nên muốn làm chủ kiến thức người học bắt buộc phải áp dụng việc thực hành vào thực tế.
Học và hành có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng ta không thể tách rời nhau. Có rất nhiều cách để chúng ta áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế. Người học cần thông qua những kiến thức đã được học để áp dụng vào thực tế. Vậy nên việc học không chỉ dừng lại ở ghế nhà trường, ngồi ngay ngắn vào bàn mới được gọi là học. Chúng ta cần đi ra thế giới ngoài kia, đi học, đi làm để biết được thực tế khắc nghiệt như thế nào, để biết được thực hành quan trọng ra sao. Muốn học tập có kết quả, chúng ta cần phải thường xuyên thực hành, ví dụ đi học chúng ta biết được viết đọc sách rất tốt, vậy bạn cần biến đọc sách trở thành thói quen trong cuộc sống của mình, thay vì chỉ để một đống sách ở nhà và không bao giờ đọc.
Thực tế đã chứng minh, nếu chúng ta vừa học vừa hành sẽ mang lại kết quả tốt. Ví dụ khi bạn muốn giỏi môn tiếng Anh nhưng bạn chỉ học nghe, đọc, viết nhưng không học nói, bạn sẽ không thể nâng cao khả năng của mình. Chính vì thế, muốn học tốt tiếng Anh một cách toàn diện bạn cần không ngừng thực hành tiếng Anh của mình. Hay học môn Hóa học cũng vậy, chúng ta không chỉ học lý thuyết ở sách giáo khoa mà bản thân người học cần phải thực hành bài vở ở phòng thí nghiệm. Giống như việc đọc sách cũng vậy, có rất nhiều cuốn sách hay, có nhiều người đọc rất nhiều sách nhưng họ vẫn không thể tốt lên hay có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đó là bởi vì họ không chịu áp dụng lý thuyết từ sách lên thực tế. Nếu bạn chỉ thích đọc chuyện truyền cảm hứng của người thành công nhưng bạn không nỗ lực vậy thì chắc chắn rồi, bạn không thể thành công.
Ngày nay có không ít học sinh, sinh viên ở trên trường đạt được kết quả rất cao. Thế nhưng khi ở nhà để nấu một bữa ăn đơn giản hay đơn giản là dọn dẹp nhà cửa một cách tử tế họ không làm được, khi đi xin việc chẳng viết nổi một bản CV xin việc hoàn chỉnh,… và rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khác. Hay một học sinh có kết quả học tập môn Giáo dục công dân rất tốt, tuy nhiên khi đi ra ngoài đường nhìn thấy người khác gặp nạn, em này đã bỏ đi mà không dừng lại giúp đỡ. Điều này như một hồi chuông cảnh báo về việc chỉ học lý thuyết mà không thực hành nên khi bước chân ra cuộc sống nhiều người vẫn “mơ màng” không có định hướng. Một bằng khen hay sự công nhận từ người khác không quan trọng bằng kinh nghiệm mà bạn tích lũy được. Học lý thuyết cần đi kèm với thực hành mới đem lại hiệu quả tốt nhất.
Hiện tại có không ít học sinh chỉ học mà không hành, dẫn đến nhiều lỗ hổng trong giáo dục. Nhiều em học trước quên sau, không có sự chủ động trong học tập, để đối phó lại các cuộc thi nhiều em chỉ học vẹt, học tủ nhưng lại không thật sự hiểu rõ bản chất của bài học vậy nên việc học trước quên sau là điều dễ hiểu. Khi chúng ta xem học như một nhiệm vụ, không có bất cứ sự yêu thích nào mà học vì áp lực từ bố mẹ, nhà trường điều này khiến cho học sinh dễ chán, không có tinh thần học. Việc học như thế này sẽ không đem lại kết quả tốt cho người học, ngược lại nó còn khiến người học trở nên vô cùng căng thẳng, không thể trở thành một học sinh giỏi.
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải ý thức được việc học tập làm sao cho hiệu quả. Không chỉ học khi ở trường lớp, mà sau giờ lên lớp học sinh cần chủ động tìm tòi tài liệu, học thêm và học mọi lúc mọi nơi. Mang lý thuyết học được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Sáng tạo nhiều cách học khác nhau như vẽ sơ đồ tư duy, tóm tắt bài học và ôn luyện kiến thức thường xuyên. Học tập bạn bè, thầy cô, sách vở, từ người thân của mình cũng là một cách giúp chúng ta nhanh chóng tiến bộ.
Lý thuyết sẽ mãi là đống chữ vô nghĩa trên vở nếu chúng ta không áp dụng nó vào thực tế. Học lý thuyết và thực hành cần cân bằng, chúng ta không thể học nhiều lý thuyết bỏ bê thực hành và ngược lại. Khi hai phương pháp học đi đôi với hành được áp dụng chúng ta sẽ thấy được sự kỳ diệu từ sách vở, nó giúp con người thay đổi cuộc sống.
Qua câu nói “Học đi đôi với hành” chúng ta càng hiểu rõ hơn về vai trò của việc áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Học lý thuyết suông sẽ không giúp ích gì cho đời sống của chúng ta, mỗi người cần phải vừa học, vừa hành mới mang lại kết quả tốt. Và khi hiểu đúng về phương pháp học tập, chúng ta mới có thể trở thành học sinh chăm chỉ, có kết quả cao trong học tập và thành công trong cuộc sống.